QUẢNG NINH: DUY TRÌ TỐT CÁC MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ TRONG THANH NIÊN

Tiếp nối những kết quả đã đạt được trong năm 2021, năm 2022, Đoàn Thanh niên các huyện trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện, khuyến khích thanh niên khởi nghiệp. 

HTX Trà hoa vàng, Ba Chẽ

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã thành lập và duy trì được gần 30 hợp tác xã (HTX) và câu lạc bộ (CLB) phát triển kinh tế trong thanh niên; phần lớn là các mô hình liên kết phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương. ĐVTN tham gia các HTX, CLB sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông – lâm nghiệp với gần 200 thành viên.

HTX chăn nuôi gà Tiên Yên

Tại huyện Tiên Yên, Hợp tác xã chăn nuôi gà Tiên Yên do đồng chí Trần Đăng Hạnh – Phó Bí thư đoàn xã Phong Dụ dưới sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn đã triển khai thành công dự án xưởng sơ chế, bảo quản gà chất lượng cao quy mô 1.200 con/ca trị giá gần 3 tỷ đổng để thúc đẩy sơ chế Gà đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; đưa sản phẩm Gà Tiên Yên vào các thị trường chất lượng cao như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. HTX đã tạo điều kiện về công ăn việc làm cho trên 200 người có thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình trồng cam của đoàn viên thanh niên HTX 10/10 Vạn Yên, huyện Vân Đồn

Tại Cô Tô, trong năm 2022 đã ra mắt Câu lạc bộ thanh niên trong nuôi trồng thủy sản với thành viên là các bạn học sinh trường THPT Cô Tô. Vớ mô hình CLB này, thanh niên Cô Tô tập trung học tập, nghiên cứu về mô hình nuôi trồng ngao 2 cùi, loại hải sản có giá trị kinh tế cao tại huyện Cô Tô; từ đó thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên, tận dụng những ưu thế của địa phương để phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương.

Ra mắt CLB của Cô Tô

Trong năm 2022, phát huy vai trò là tổ chức thủ lĩnh, dẫn dắt thanh niên, Đoàn Thanh niên 7 huyện trên địa bàn tỉnh đều chỉ đạo duy trì tốt các mô hình kinh tế tập thể trong thanh niên; đặc biệt duy trì hiệu quả hoạt động của các CLB Đầu tư và Khởi nghiệp huyện, tạo mối liên kết về kinh tế giữa ĐVTN có ý chí vươn lên làm giàu, vận động thanh niên phát triển các mô hình kinh tế. Các ĐVTN cùng liên kết mô hình, tiêu thụ sản phẩm chéo của nhau và tìm cách liên hệ với công ty, xí nghiệp, các nhà hàng trên địa bàn huyện và trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ sản phẩm của mình. Khi đã có đầu ra ổn định cho các sản phẩm, nhiều thanh niên đã mạnh dạn mở rộng đầu tư lớn,…

Sản phẩm miến dong của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Húc Động – HTX do thanh niên làm chủ ở huyện Bình Liêu
Mô hình nuôi gà bản Đầm Hà sử dụng công nghệ cao của HTX Tuyền Hiền, huyện Đầm Hà, giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên địa phương

Thực tế cho thấy, mô hình HTX, CLB thanh niên phát triển kinh tế đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện để ĐVTN phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong ĐVTN địa phương. Cùng với đó, việc duy trì mô hình phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên, sẽ góp phần giúp các tổ chức Đoàn cơ sở thu hút, tập hợp được ĐVTN tham gia sinh hoạt đoàn.

Có thể thấy rằng, việc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, thậm chí làm giàu tại khu vực nông thôn không phải là điều quá khó khăn, vấn đề là phải lựa chọn được hướng đi, cách làm một cách phù hợp. Và với việc xây dựng các mô hình CLB, hội nhóm cùng giúp nhau phát triển kinh tế là một hướng đi đúng đắn cần được nhân rộng.

BBT