Cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho Đảng, cách mạng, dân tộc nhiều giá trị to lớn, đặc biệt là tác phẩm “Tự chỉ trích” – một văn kiện thể hiện tầm nhìn chiến lược.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-28/8/1941) quê tại xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Phù Khê, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) là một tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học tập, rèn luyện và trưởng thành trong thực tiễn cách mạng.
Cuộc đời của ông tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại cho Đảng, cách mạng, dân tộc nhiều giá trị to lớn, đặc biệt là tác phẩm “Tự chỉ trích” – một văn kiện thể hiện tầm nhìn chiến lược của ông.
“Tự chỉ trích” – tác phẩm xuất sắc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Tác phẩm “Tự chỉ trích” không chỉ có giá trị củng cố niềm tin, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động của toàn Đảng mà tác phẩm có giá trị thực tiễn to lớn, là cẩm nang cho công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất và sức chiến đấu của Đảng.
Tác phẩm “Tự chỉ trích” ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt. Vào những năm 1936-1939, tình hình quốc tế và trong nước có những biến đổi to lớn. Trên thế giới, chủ nghĩa phát xít tạm thời thắng thế ở một số nước, ráo riết chuẩn bị chiến tranh, trở thành thách thức to lớn đối với hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Trong nước, tình hình nội bộ Đảng và phong trào cách mạng xuất hiện những khuynh hướng khác nhau, có thể gây chia rẽ, phân liệt Đảng, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong cuộc tuyển cử Hội đồng Quản hạt Nam kỳ (16/4/1939), các ứng viên của Mặt trận Dân chủ không trúng cử, các phần tử “tờrốtxkít” (những phần tử “xét lại” các lý thuyết thuộc về chủ nghĩa Marx-Lenin) giành được đa số phiếu và thắng cử.
Trong nội bộ Đảng có nhiều ý kiến bất đồng, có đảng viên đã viết bài đăng báo, công kích lẫn nhau, thậm chí nhận xét sai lệch về đường lối chính sách của Đảng. Với trọng trách là Tổng Bí thư của Đảng trong giai đoạn lịch sử đầy biến động và phức tạp đó, ông Nguyễn Văn Cừ đã có những chỉ đạo quan trọng và trực tiếp biên soạn nhiều văn kiện, tác phẩm nhằm định hướng phong trào cách mạng, tăng cường sự thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động của Đảng, trong đó có tác phẩm Tự chỉ trích hoàn thành vào năm 1939.
Nói về tác phẩm “Tự chỉ trích,” Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Xuân Tuất và thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: “Thông qua tác phẩm ‘Tự chỉ trích,’ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chỉ đạo triển khai cuộc đấu tranh trên cả nước, lột mặt nạ bọn giả danh cách mạng “tờrốtxkít,” tiến hành phê bình và tự phê bình, nâng cao sức chiến đấu của Đảng; nghiêm khắc lên án, chỉ trích những khuynh hướng cô độc hẹp hòi và khuynh hướng hữu khuynh thỏa hiệp với bọn “tờrốtxkít,” tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Với ngòi bút sắc sảo và có tính chiến đấu cao cùng ý chí cách mạng của người cộng sản và sự vận dụng nhuần nhuyễn lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin về những vấn đề chiến lược và sách lược trong phong trào cách mạng, qua tác phẩm “Tự chỉ trích,” ông Nguyễn Văn Cừ đã chỉ rõ những nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân trong cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình, cải thiện đời sống, chống chiến tranh đế quốc, chống chủ nghĩa phátxít.”
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định thông qua tác phẩm, ông Nguyễn Văn Cừ đã đóng góp quan trọng vào việc tăng cường sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động trong nội bộ Đảng, nâng cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, sức chiến đấu của những người cộng sản.
Tác phẩm “Tự chỉ trích” thể hiện sự sáng suốt của một trí tuệ lỗi lạc, sự kiên định lập trường, quan điểm và những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx-Lenin, qua đó góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận Marx-Lenin về xây dựng Đảng, đấu tranh với các quan điểm lệch lạc, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nguyên tắc “tự chỉ trích bônsơvích” được nêu lên trong tác phẩm vẫn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: “Bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích bônsơvích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi,” Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ – tấm gương mẫu mực về tự phê bình và phê bình
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ không chỉ để lại tấm gương sáng ngời về tinh thần cách mạng và nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, ông còn là tấm gương mẫu mực về tự phê bình và phê bình.
Theo tiến sỹ Lê Thị Hằng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chỉ rõ phê bình và tự phê bình là để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi. Tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình của ông là phải nhìn thẳng vào sự thật, nhận rõ khuyết điểm. Với kẻ thù và những phần tử phản động, phần tử “tờrốtxkít” mưu toan chia rẽ, phá hoại Đảng, đồng chí kiên quyết đấu tranh bác bỏ, không khoan nhượng. Với những sai lầm, thiếu sót của bản thân, đồng chí tự kiểm điểm, dám nhận lỗi.
Với cán bộ, đảng viên, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn trao đổi thẳng thắn, chân thành để sữa chữa khuyết điểm. Ông yêu cầu người cộng sản chân chính có sai lầm, thất bại thì phải can đảm nhìn thẳng sự thật và chịu hoàn toàn trách nhiệm. Sự thống nhất đạt được sau thảo luận, sau tự phê bình và phê bình, sau khi được làm rõ đúng sai, phải trái sẽ trở thành sự thống nhất tự giác, là cơ sở cho sự đồng thuận, đoàn kết của tập thể, sự thống nhất ý chí của Đảng.
Tiến sỹ Lê Thị Hằng nhấn mạnh trong mọi hoàn cảnh, ông luôn luôn giữ nghiêm chế độ sinh hoạt và kỷ luật của Đảng; tìm mọi cách bảo vệ Đảng; dùng tự phê bình và phê bình để làm trong sạch Đảng, bảo đảm cho Đảng thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức. Ông là tấm gương tinh thần gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn hòa mình với quần chúng, học hỏi và tổ chức, động viên quần chúng tham gia cách mạng.
Thực tế, từ việc phê bình và tự phê bình nghiêm túc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã chỉ đạo chuyển hướng chiến lược và thay đổi phương pháp cách mạng trong tình hình mới của Đảng ta tại Hội nghị Trung ương 6 (11/1939). Nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ, lực lượng cách mạng cũng tránh được tổn thất lớn khi kẻ địch trở mặt đàn áp, góp phần quan trọng vào thành công của Cách mạng Tháng Tám, năm 1945.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự nêu gương trong cuộc đấu tranh phê bình và và tự phê bình, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã đấu tranh chống lại mọi biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, cả tả khuynh và hữu khuynh, làm sáng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần đập tan mọi sự mơ hồ, lẫn lộn trong tư duy và hành động của cán bộ, đảng viên, đi tới sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Tấm gương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ về phê bình và tự phê bình vẫn soi rọi và chỉ dẫn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Phát huy tinh thần “tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Khẳng định thêm ý nghĩa của tinh thần phê bình và tự phê bình, tiến sỹ Lê Thị Hằng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có nói: “Trong cuốn Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia có đoạn ‘Trong bao nhiêu năm hoạt động bí mật, dù bị bọn thực dân khủng bố gắt gao và Đảng ta gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng Đảng ta ngày càng phát triển, càng mạnh mẽ và lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Đó là vì Đảng ta khéo dùng cái vũ khí sắc bén phê bình và tự phê bình.'” Điều này càng khẳng định giá trị to lớn của phê bình và tự phê bình, tiếp nối tinh thần trong Tự chỉ trích của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
“Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta rất coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với nội dung quan trọng hàng đầu là tự phê bình và phê bình. Đặc biệt, trong các kỳ Đại hội gần đây, Đảng đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là Hội nghị đầu mỗi khóa bàn về công tác xây dựng Đảng. Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa”. Kết luận này đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị. Điều này, không chỉ khẳng định Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện là then chốt để xây dựng hệ thống chính trị, đất nước giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc. Với tinh thần tự chỉ trích, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII đã tự phê bình sâu sắc khi nhìn thẳng vào khuyết điểm,” tiến sỹ Lê Thị Hằng nói.
Với thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh quê hương Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, tinh thần phê bình và tự phê bình luôn được Đảng bộ, chính quyền thực hiện. Bí thư Thành ủy, thành phố Từ Sơn Lê Xuân Lợi cho biết: Đảng bộ thành phố Từ Sơn có 58 chi, Đảng bộ cơ sở với gần 6.000 đảng viên. Bám sát Nghị quyết Trung ương 4, khóa XIII, với tinh thần “tự chỉ trích,” Đảng bộ thành phố tập trung làm tốt việc kiểm điểm tập thể, cá nhân. Các tổ chức Đảng, đảng viên làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, phân tích thấu đáo, chỉ ra một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, xử lý dứt điểm.
Ông Lê Xuân Lợi, Bí thư Thành ủy Từ Sơn nhấn mạnh: “Đảng bộ thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm trong lãnh đạo, chỉ đạo từ đó đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời theo tinh thần “Phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thành ủy tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Qua đó, từng bước khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, góp phần tạo đồng thuận xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, đồng thời củng cố lòng tin của đảng viên và quần chúng nhân dân với Đảng.”
Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, học tập tinh thần “tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng bộ thành phố Từ Sơn đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Giai đoạn 2016-2021, bình quân hàng năm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt trên 80%, tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt trên 85% trở lên.
Sáu năm liên tục Đảng bộ thành phố xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; năm 2021, Đảng bộ thành phố xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Tỉnh ủy tặng bằng khen./.
theo Vietnam+/TTXVN