Người thanh niên làm nghề lái taxi tải chở hàng bỗng chốc được cả nước xem như ‘người hùng’ vì đã dũng cảm đỡ bé 3 tuổi bị rơi từ tầng 12 chung cư vào ngày 28-2 khiêm tốn nói về hành động mà mình đã làm.
Hai ngày qua, cuộc sống của Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi) cũng xáo trộn khá nhiều khi trở thành nhân vật được nhiều người quan tâm nhất.
“Tôi chỉ làm, không quen nói, mọi người thông cảm!”
Trong buổi nhận khen thưởng của Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) hôm qua 1-3, Nguyễn Ngọc Mạnh bất ngờ và bị ngợp trước cả “rừng” ống kính của phóng viên chật kín hội trường. Khi nhiều phóng viên đề nghị anh Mạnh chia sẻ suy nghĩ, anh ngập ngừng một lúc rồi chỉ nói: “Tôi chỉ làm, không quen nói, mong mọi người thông cảm!”.
Niềm vui sướng về “cái kết có hậu” khi cháu bé được cứu sống, và sâu xa là sự khao khát những điều tử tế, tốt đẹp trong xã hội tạo nên làn sóng dư luận làm một ngày thường nhật của anh Mạnh thay đổi.
Ngay trong hôm qua, anh cũng đã được Trung ương Đoàn trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”. Thành đoàn Hà Nội trao bằng khen cho anh Mạnh vì đã có hành động dũng cảm. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký quyết định về việc khen thưởng thành tích đột xuất cho cá nhân có hành động dũng cảm. Nhiều người tìm đến nhà anh để trao quà, chia sẻ niềm vui.
Nhưng Nguyễn Ngọc Mạnh thì vẫn đi làm, vì công việc đã nhận và đó mới là cuộc sống thường ngày của anh.
Trao đổi qua điện thoại với Tuổi Trẻ vào sáng 1-3, Nguyễn Ngọc Mạnh cho biết: “Tôi vẫn phải đi làm. Lịch làm việc của tôi ngày nào cũng thế, kín hết cả ngày. Có những hôm làm thông trưa nên không thể có thời gian chia sẻ với các nhà báo đâu.
Từ hôm qua tới nay, rất nhiều người gọi cho tôi, anh em, bạn bè cũng có, các anh chị nhà báo nữa. Mọi người cũng nhắn tin cho tôi nhưng tôi không có thời gian để lưu số, để đọc tin, vì phải chạy ngoài đường, rất mong chị thông cảm”.
Mạnh làm nghề lái taxi tải chở hàng theo yêu cầu của khách kiêm chuyển phát nhanh. Và như Mạnh nói, cho dù báo chí và cộng đồng mạng đưa anh lên làm “người hùng” thì anh vẫn là một người bình thường, phải làm công việc bình thường.
Mạnh cho biết anh không muốn nhận tiền, quà của những người ngưỡng mộ việc làm của mình gửi đến, vì anh không quá khó khăn, vẫn có thể kiếm sống bằng sức lao động. Và hơn thế, việc anh cứu cháu bé không phải để nhận được sự ca ngợi và những món quà vật chất.
Sau giây phút “sinh tử” là ôm chặt hai con và khóc
“Tình thế khiến tôi thấy mình phải làm thế” và “ai trong hoàn cảnh tôi chắc cũng làm thế”, Nguyễn Ngọc Mạnh cho biết và để “mô tả” thêm hành động của mình thì anh nói là… chịu, không thể nói được.
Nhưng từ cái nhìn của một người khác, chị Phùng Thị Thủy (vợ anh Mạnh) có thể lý giải. Chị Thủy kể lại: “Tối 28-2, khi thấy chồng về nhà, chân đi tập tễnh, tôi đã tưởng xảy ra tai nạn trong lúc anh đi làm. Tôi lo lắng hỏi anh bị làm sao, nhưng anh không trả lời mà chạy đến ôm chặt lấy hai con rồi bật khóc. Mãi khi hàng xóm sang hỏi và đưa cho tôi xem clip thì mới biết chuyện đã xảy ra. Cả đêm đó anh Mạnh trằn trọc không ngủ được. Một phần vì tay đau nhức, nhưng cũng có thể vì chuyện vừa xảy ra đã tác động đến anh ấy”.
Trước đó, khi bị gặng hỏi về giây phút “sinh tử” mà anh là người giải cứu, anh Mạnh cũng nói: “Cháu bé trạc tuổi con tôi, nên khi nhìn thấy cháu bé lơ lửng trên cao, tôi chợt nghĩ đến con ở nhà, rồi quyết định tìm cách leo lên hi vọng cứu được cháu bé”.
Lòng tốt cần lan tỏa
Hiền lành, tốt bụng là tính cách mà những người thân của Nguyễn Ngọc Mạnh nói về anh. Chị Thủy kể không phải đây là lần đầu anh Mạnh làm việc tốt. Đã có lúc đi làm về, nhặt được tiền rơi, anh gói trong túi nilông, rồi đăng thông tin lên mạng để tìm người trả lại.
Bà Nguyễn Thị Nhẫn, mẹ của anh Mạnh, kể anh có sức khỏe kém, hiện vẫn bị thấp khớp. Sau việc cứu cháu bé, cổ tay anh vẫn đau chưa nâng các đồ vật nặng được. Anh chăm chỉ, thường rời nhà từ 8h sáng, đến tối muộn mới về. Anh cũng được bà con láng giềng nhận xét sống hòa đồng, gần gũi với mọi người.
“Có một lần Mạnh nhặt được điện thoại của người khác làm rơi. Sau đó người ta đến và có gói quà để cảm ơn. Nhưng Mạnh thẳng tính, kiểm tra bằng được xem có phải bánh ngọt không, nếu có phong bì lập tức trả lại ngay. Hay có lần đang đi làm có người hỏng xe, Mạnh hủy đơn hàng và xin lỗi khách để đến giúp người đó sửa xe xong mới yên tâm đi làm tiếp”, bà Nhẫn kể về con trai.
Anh Lê Duy Tùng, bí thư Đoàn xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, cho biết anh Mạnh là thanh niên tích cực tham gia hoạt động Đoàn của xã, cũng như chấp hành, tuân thủ pháp luật, tham gia dọn dẹp vệ sinh thôn xóm. Mặc dù sức khỏe yếu, anh vẫn tham gia các hoạt động thể thao tại địa phương.
Dù Mạnh chỉ muốn mọi người xem những việc anh làm là bình thường, nhưng như lời anh Lê Duy Tùng thì những nghĩa cử, hành động tốt như anh Mạnh đã làm rất cần được lan tỏa trong xã hội. Những điều tốt đẹp nho nhỏ có thể giúp cuộc sống đẹp hơn, con người yêu thương, nhân hậu với nhau hơn.
Theo Tuổi trẻ