Di ảnh liệt sĩ, ảnh cũ của văn nghệ sĩ, trí thức được các họa sĩ trẻ phục hồi

Một nhóm họa sĩ trẻ ở nhiều nơi trên đất nước đang phục dựng hàng trăm di ảnh màu cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh, hoặc có công trong kháng chiến.

Ảnh Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được phục dựng bằng AI

Ảnh Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm được phục dựng bằng AI

Chương trình phục dựng di ảnh màu cho các văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh, hoặc có công trong kháng chiến do tổ chức Trái tim người lính Việt Nam phối hợp với tạp chí Môi Trường và Đô Thị Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Câu lạc bộ Mãi mãi tuổi 20 tổ chức, công bố ngày 22-4 tại Hà Nội.

Nhiều văn nghệ sĩ… quá đẹp

Nhóm họa sĩ trẻ có khả năng sử dụng công nghệ AI, hiện đang làm việc online tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM cùng tâm huyết thực hiện công việc ý nghĩa này.

Những di ảnh thờ của gia đình hay ảnh tư liệu đen trắng của các văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh trong kháng chiến, hoặc có đóng góp lớn cho đất nước, cho cách mạng, được các bạn trẻ này phục dựng thành ảnh màu thật sinh động bằng công nghệ AI.

Di ảnh liệt sĩ, ảnh cũ của văn nghệ sĩ, trí thức được các họa sĩ trẻ phục hồi- Ảnh 2.
Di ảnh liệt sĩ, ảnh cũ của văn nghệ sĩ, trí thức được các họa sĩ trẻ phục hồi- Ảnh 3.
Di ảnh liệt sĩ, ảnh cũ của văn nghệ sĩ, trí thức được các họa sĩ trẻ phục hồi- Ảnh 4.
Di ảnh liệt sĩ, ảnh cũ của văn nghệ sĩ, trí thức được các họa sĩ trẻ phục hồi- Ảnh 5.
Di ảnh liệt sĩ, ảnh cũ của văn nghệ sĩ, trí thức được các họa sĩ trẻ phục hồi- Ảnh 6.

Các anh hùng liệt sĩ và văn nghệ sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, được phục dựng ảnh màu bằng AI

Những cái tên anh hùng liệt sĩ, văn nghệ sĩ, trí thức trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được phục dựng ảnh màu như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Ngọc Vân, Thâm Tâm, Lê Anh Xuân, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Thi…

Nhiều chân dung văn nghệ sĩ được phục dựng khiến người xem phải bất ngờ vì quá đẹp, như chân dung Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Quang Dũng…

Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng – người khởi xướng chương trình – cho biết do điều kiện khó khăn trong thời chiến, nên nhiều văn nghệ sĩ, trí thức khi hy sinh đã không để lại di ảnh thờ. Nếu có, thì đó là những bức ảnh đen trắng, chất lượng rất hạn chế vì những phôi pha năm tháng.

Nhằm góp phần tri ân những con người đã ngã xuống vì quê hương đất nước, hoặc có công trong thời chiến, nhóm họa sĩ trẻ đã sử dụng công nghệ AI để phục dựng những chân dung di ảnh màu sống động và cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn mới về những người nổi tiếng, đã có công với quê hương đất nước.

Đến nay hàng trăm chân dung di ảnh thờ đen trắng của các văn nghệ sĩ, trí thức đã hy sinh, hoặc ảnh cũ của những văn nghệ sĩ, trí thức có công trong kháng chiến đã được phục dựng màu miễn phí trong chương trình nhân văn nêu trên.