Văn nghệ sĩ hơn lúc nào hết cần hướng tới chân-thiện-mỹ thì mới có thể góp phần ngăn chặn được biết bao nguy cơ đe dọa phẩm giá con người.
“Văn nghệ sĩ hơn lúc nào hết cần hướng tới chân-thiện-mỹ thì mới có thể góp phần ngăn chặn được biết bao nguy cơ đe dọa phẩm giá con người. Họ phải ý thức mỗi tác phẩm họ sáng tạo ra có thể trở thành một vẻ đẹp, một bông hoa, một tia sáng, nhưng cũng có thể trở thành sự tăm tối, một liều thuốc độc với bạn đọc. Và suy cho cùng chỉ có “ánh sáng lương tri” tỏa ra từ tác phẩm mới có thể trường tồn cùng thời gian”. Đó là khẳng định của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Sáng tạo chân chính là đưa văn nghệ sĩ về phía cái đẹp
Phóng viên (PV): Trong sự kiện lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão diễn ra trung tuần tháng 2-2023 tại Hà Nội, chúng tôi ấn tượng với phát biểu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi ông khẳng định chưa bao giờ văn nghệ sĩ được quyền sáng tạo, được quyền bày tỏ, được quyền phản biện như bây giờ. Theo ông, không gian sáng tạo của văn nghệ sĩ được thể hiện trên những khía cạnh nào?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng không gian sáng tạo thể hiện 3 khía cạnh: Đề tài sáng tạo, tính dự báo và tính phản biện.
Trước đây, có những đề tài hay chủ đề sáng tạo do thời cuộc mà bị bó hẹp. Ví dụ, trong chiến tranh, văn nghệ sĩ không đề cập đến những đau thương, mất mát sẽ tác động tiêu cực đến sĩ khí chiến đấu của quân và dân ta. Sau khi chiến tranh kết thúc, đặc biệt là từ khi bước vào đổi mới, nhiều tác phẩm văn nghệ đã có cái nhìn khác về chiến tranh vừa đi qua, như tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh. Tác phẩm này lúc mới ra đời từng bị phê phán vì lần đầu tiên soi rọi trực diện “vết thương tinh thần” hậu chiến. Nhưng hiện nay, đa phần công chúng đánh giá tác phẩm này có giá trị. Tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” đã góp một cái nhìn chiến tranh đầy đủ, đa diện hơn; cảnh cáo về những mất mát, những nỗi buồn mà chiến tranh mang đến; vì lẽ đó phải tìm mọi cách để không cho chiến tranh xảy ra.
Nhiều tác phẩm văn chương có tính dự báo cao, xuất phát từ sự công phu của nhà văn đi sâu vào đời sống đương đại, nghiền ngẫm quá khứ, từ đó dự báo với nhiều vấn đề nhức nhối trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, sự xuống cấp văn hóa, đạo đức. Điều này phải dựa theo cách viết, cách đặt vấn đề và thái độ nhà văn cho những câu chữ của mình để không chỉ nhà quản lý mà nhân dân thấy rằng ở đây là cảnh báo xã hội về sự tha hóa của con người, mặt trái trong đời sống xã hội chứ không phải là sự tuyệt vọng.
Vấn đề cuối cùng là tính phản biện. Văn nghệ sĩ và rộng ra là giới trí thức phải là lực lượng đi đầu trong phản biện xã hội, dựa trên thái độ, trách nhiệm, trí tuệ. Chẳng hạn, phản biện trên báo chí-truyền thông, trong tác phẩm về số phận người nông dân ly nông, ly hương bị vướng vào các tệ nạn xã hội, về thủ tục hành chính phiền hà với mục đích là góp phần giúp Đảng, Nhà nước chú ý sửa đổi, khắc phục bất cập.
PV: Ông có nghĩ rằng, quyền tự do sáng tạo là tự do cho “cái tôi” của văn nghệ sĩ không có giới hạn nào không?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Cách đây khoảng 30 năm, tôi đã từng phát biểu: Công cuộc đổi mới sẽ mở ra hai thái độ ứng xử của văn nghệ sĩ. Việc mở rộng không gian sáng tạo chắp thêm “đôi cánh” để văn nghệ sĩ thăng hoa trong chiều sâu trí tưởng tượng. Minh chứng cho điều này chính là thành tựu của văn học, nghệ thuật (VHNT) thời kỳ đổi mới rất đáng kể. Lưu Quang Vũ sẽ không thể viết hàng loạt vở kịch xuất sắc trong thời gian ngắn và được phổ biến rộng rãi nếu tự do sáng tạo không được mở rộng.
Nhưng cũng có những văn nghệ sĩ chớp lấy tự do sáng tạo được mở rộng để thỏa mãn sự tùy tiện cá nhân. Đó có thể là hăm hở quá mức muốn thể hiện “cái tôi”, hoặc muốn trút bao bức bối và cả hằn học của cá nhân vào trong tác phẩm. Nếu sáng tác với tâm thế này chắc chắn sẽ không tạo ra bất cứ điều tốt đẹp cho công chúng. Nhiều văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm nhằm hạ bệ anh hùng dân tộc; xóa nhòa bản chất chiến tranh; xoáy sâu, đả kích những sai lầm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cách mạng mà có thời điểm một số cơ quan mắc phải. Họ thường lấy cái sai lầm, cái chưa tốt, cá biệt để quy thành bản chất của chế độ, của xã hội, như vậy sẽ gieo vào công chúng những điều thiếu tích cực, không trong sáng.
Một bên đưa người ta về phía ánh sáng, còn lại đẩy người ta về phía bóng tối. Cho nên, ở đây cần phải khẳng định rằng tự do sáng tạo chân chính trong VHNT là đưa văn nghệ sĩ về phía cái đẹp, khám phá, tôn vinh, bảo vệ cái đẹp để mang lợi ích cho con người.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. |
Văn nghệ sĩ chân chính đương nhiên luôn hiểu trách nhiệm với tự do trong tay. Rõ ràng không thể có tự do sáng tạo tuyệt đối, vô bờ bến. Tôi có dịp nghiên cứu, tìm hiểu tình hình VHNT ở một số quốc gia, không ai ngăn trở văn nghệ sĩ sáng tạo nhưng việc phổ biến tác phẩm thì có một số giới hạn nhất định. Ngay như ở các nước phát triển dù tự xưng là tự do dân chủ nhất nhưng cũng không cho phép phổ biến những tác phẩm có nội dung phân biệt chủng tộc, ấu dâm hay đi ngược lại những giá trị văn hóa tinh thần được cộng đồng tôn vinh, xây đắp. Cho nên, người ta hay nói tự do sáng tác gắn liền với trách nhiệm công dân chính là ở điểm này.
PV: Theo Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam hiện hành, Hội tôn trọng phong cách riêng của mỗi nhà văn và khuyến khích đổi mới trong sáng tạo văn học, nhằm phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời yêu cầu mỗi hội viên nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Quy định này liệu có mâu thuẫn với quyền tự do sáng tạo của hội viên không, thưa ông?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Nếu là bạn đọc thường xuyên của Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), chắc hẳn sẽ nhìn thấy khẩu hiệu ở măng sét tờ báo: “Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội”. Khẩu hiệu đó xác lập thái độ của nhà văn Việt Nam luôn đồng hành với đất nước, nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thái độ đó là tự nguyện, không hề chịu một sự ép buộc nào.
Các nhà văn tiền bối như: Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Như Phong, Học Phi… sớm gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc sau khi có văn kiện lịch sử “Đề cương văn hóa Việt Nam” (năm 1943), bởi lẽ họ thấy Đảng đã đề ra đường lối đúng đắn giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, đồng thời bảo vệ văn hóa Việt Nam khỏi lệ thuộc, nô dịch. Và sau đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những thành tựu vĩ đại trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” như lời Bác Hồ khẳng định; vậy tất yếu người viết nào trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là tự nguyện chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bởi tin tưởng con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn.
Đường lối văn hóa-văn nghệ của Đảng luôn vì con người, vì dân tộc, vì xã hội. Mục đích của nhà văn khi sáng tạo cũng tương tự. Khi chúng ta hiện thực hóa những mục đích vì con người thì đường lối, chính sách của Đảng về văn hóa-văn nghệ và sự tự do, dân chủ trong sáng tạo của nhà văn tự nhiên cùng đi trên một con đường. Cho nên không có bất cứ mâu thuẫn nào bởi không gian tự do sáng tạo được mở rộng là để nhà văn viết nhiều hơn, viết hay hơn để xứng đáng là những “kỹ sư tâm hồn”, bảo vệ phẩm giá con người.
Thái độ sống của văn nghệ sĩ góp phần làm nên tác phẩm giá trị
PV: Ông có thể lý giải vì sao một bộ phận văn nghệ sĩ thay vì đem hết tài năng, tâm huyết để sáng tạo phục vụ cộng đồng, đất nước, thì lại có những lời nói, phát ngôn phản cảm, gây bất ổn dư luận xã hội; đáng quan ngại hơn là sáng tạo một số tác phẩm có nội dung lệch lạc?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hiện tượng nêu ra là có thật, nhưng theo tôi đó chỉ là thiểu số, chủ yếu là những văn nghệ sĩ tự do.
Nếu quan sát đời sống VHNT, những văn nghệ sĩ có các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống sẽ không sáng tác nhiều tác phẩm giá trị, bởi họ đã dồn thời gian, sức lực vào những việc bên lề sáng tạo. Tôi từng suy nghĩ rằng: Một nhà thơ viết tác phẩm giá trị 10 năm trước, nếu 10 năm sau anh ta muốn viết một tác phẩm hay như vậy thì anh ta phải sống “chất lượng” như tác phẩm anh ta từng viết. Sống bao nhiêu thì sẽ viết bấy nhiêu! “Chất lượng” đời sống của anh ta bao hàm sự đọc, sự hiểu biết, sự phân tích, sự lắng nghe, sự trau dồi những kiến văn và cả những hành xử của anh ta với một cái cây, một con người ở bên cạnh, với mảnh đất mà chính anh ta đứng vừa đủ hai bàn chân. Khi anh ta có một thái độ đúng đắn, yêu thương, chia sẻ, bảo vệ khát vọng cho con người thì trong tác phẩm sẽ thể hiện những điều tốt đẹp.
Tôi có thể kể ví dụ, nhiều tác phẩm tham dự Giải tác giả trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) gần đây có kiến văn sâu sắc, mới mẻ, hiện đại. Nhưng nội dung tư tưởng càng đọc thì giống như càng đi xuống hầm sâu không lối thoát. Văn chương phải hiện lên ánh sáng của nhân tình, mang cho con người niềm hy vọng một sự cứu vớt nào đó. Cho nên nền tảng không bao giờ thay đổi chính là chủ nghĩa nhân văn trong tất cả tác phẩm, rời bỏ điều đó thì không còn gì cả.
PV: Tác phẩm VHNT là kết quả sáng tạo của sự trăn trở, tìm tòi, tâm huyết và trí tuệ, tài năng của văn nghệ sĩ. Theo ông, làm sao để kết hợp, giải quyết hài hòa giữa việc phát huy tài năng “cái tôi” văn nghệ sĩ với việc cho ra đời những tác phẩm hay nhất, tốt nhất để phụng sự “cái ta” cộng đồng, làm giàu, làm đẹp tâm hồn con người?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Cái tôi” văn nghệ sĩ rất cần tự do để sáng tạo. Nhìn rộng hơn, đi sâu vào bản chất tự do sáng tạo là điều kiện vô cùng cần thiết để VHNT phát triển bởi nó tạo ra sự khác biệt, đa dạng, phong phú. Nếu không có những điều này, nền VHNT coi như dừng lại và bất động, đồng nghĩa với “cái chết”. Từ đổi mới đến nay, VHNT đào sâu vào đời tư thế sự, bàn về “cái tôi” nhiều hơn “cái ta”. Nhận thức của xã hội cũng tôn trọng những nỗi buồn thẳm sâu của một cá nhân, tôn trọng cả nỗi day dứt, trăn trở của “cái tôi” sáng tạo. Điều này khiến VHNT của chúng ta đầy sức sống, nhiều tác phẩm vì thế đáp ứng nhu cầu của công chúng muốn khám phá các chiều kích sâu thẳm của con người.
Trước đây, kẻ thù của dân tộc và cũng là của văn nghệ sĩ là giặc ngoại xâm, là những kẻ muốn nô lệ hóa dân tộc ta. Các văn nghệ sĩ đi theo con đường cách mạng để bảo vệ sự tự do, độc lập của mỗi cá thể trong đời sống cộng đồng rộng lớn. Kẻ thù hiện nay mà VHNT đối diện chính là sự vô cảm, đạo đức giả, suy thoái lương tri, sự thờ ơ giá trị văn hóa truyền thống, là thói ích kỷ, sự tham lam ẩn sâu trong con người… Văn nghệ sĩ quan tâm đến đề tài chống tham nhũng và tiêu cực, bảo vệ chủ quyền, kêu gọi giữ gìn môi trường, chống lại sự suy thoái đạo đức, chấn hưng văn hóa, tạo ra những vẻ đẹp mới của văn hóa dân tộc, là biểu hiện rõ phụng sự “cái ta” cộng đồng. Đảng luôn cần, dân rất mong văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm VHNT giàu tính chân-thiện-mỹ, góp phần mang lại, bồi đắp những phẩm giá tốt đẹp của con người và vì sự tiến bộ, văn minh của xã hội.
PV: Là một nhà thơ, họa sĩ được công chúng yêu mến và giới chuyên môn nể trọng, ông có điều gì muốn gửi gắm để động viên, khích lệ đội ngũ nhà văn và giới nghệ sĩ cho ra đời những tác phẩm giàu tính chân-thiện-mỹ mà Đảng cần, dân mong?
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Về câu chuyện sáng tạo, mỗi văn nghệ sĩ đều có con đường riêng, tôi không có bất cứ lời khuyên nào. Tôi chỉ muốn chia sẻ suy nghĩ cá nhân rằng điều cuối cùng văn nghệ sĩ cần lưu tâm vẫn là giá trị tác phẩm và tác động đến công chúng. Hiện nay thế giới ảo đang chứa đựng bao nhiêu điều xấu độc, nhiều mạng xã hội ngập tràn những điều phản cảm. Những suy đồi văn hóa, đạo đức trong xã hội vô cùng nguy hại, làm “phần con” trong mỗi cá nhân có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào, nếu không đủ bản lĩnh “đề kháng”.
Văn nghệ sĩ hơn lúc nào hết cần hướng tới chân-thiện-mỹ thì mới có thể góp phần ngăn chặn được biết bao nguy cơ đe dọa phẩm giá con người. Điều này đòi hỏi văn nghệ sĩ không bao giờ được rời bỏ những điều tốt đẹp trong tâm trí và trong quá trình sáng tạo. Họ phải ý thức mỗi tác phẩm họ sáng tạo ra có thể trở thành một vẻ đẹp, một bông hoa, một tia sáng nhưng cũng có thể trở thành sự tăm tối, một liều thuốc độc với bạn đọc. Và suy cho cùng chỉ có “ánh sáng lương tri” tỏa ra từ tác phẩm mới có thể trường tồn cùng thời gian.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
“Để làm trọn nhiệm vụ cao quý của mình, văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp”. (Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Theo QĐND