Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, chuyện cũ nhớ lại

Cách đây 5 năm, Bộ Quốc phòng công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019. Sự kiện này gợi nhớ những kỷ niệm về quá trình xây dựng, công bố một tài liệu quan trọng về chính sách quốc phòng Việt Nam.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 góp phần tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia trong cộng đồng quốc tế; là tài liệu quan trọng để nâng cao sự hiểu biết về quốc phòng của đất nước cho công dân Việt Nam. (Ảnh: Đỗ Thoa)

Đúng thời điểm, đủ, rõ, minh bạch

10 năm sau Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009 (lần thứ ba), tình hình quốc tế, trong nước, bối cảnh chiến lược có nhiều thay đổi, phát triển. Sau Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (2013), năm 2018, Đảng ban hành đồng bộ các nghị quyết về Chiến lược Quốc phòng, Quân sự, bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và bảo vệ biên giới quốc gia.

Bối cảnh mới đòi hỏi, điều kiện chín muồi thúc đẩy Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo biên soạn Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019. Công bố Sách trắng vào dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội Nhân dân (1944-2019), 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (1989-2019), càng thêm ý nghĩa.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam khẳng định quan điểm cơ bản về đánh giá, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có liên quan; về đối tượng, đối tác; về chính sách quốc phòng, trong đó có xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đồng bộ với tài liệu là sách ảnh Quốc phòng Việt Nam 2019, minh họa sinh động những nội dung cơ bản, làm tăng tính hấp dẫn.

Sách trắng cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng về quốc phòng Việt Nam, đáp ứng điều các nước cần tìm hiểu. Đồng thời, thể hiện chủ trương minh bạch hóa về chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhằm tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các nước, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế về quốc phòng.

Vượt qua biến cố lịch sử, thách thức đương đại, Việt Nam thiết lập và duy trí quan hệ cân bằng với các nước lớn; có vai trò, uy tín ngày càng cao ở khu vực và trên thế giới. Vì vậy, sự kiện công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 thu hút sự quan tâm rộng rãi, sâu sắc của cộng đồng quốc tế, nhất là các quan chức, chuyên gia quốc phòng, đối ngoại.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam còn là tài liệu quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và toàn dân trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của nhân loại. Điều đó làm nổi bật hơn ý nghĩa, tính nhân dân của chính sách quốc phòng Việt Nam.

Việc xuất bản Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 thể hiện mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

“4 không” và “1 tùy”

Sách trắng khẳng định, chính sách quốc phòng Việt Nam mang tính chất hòa bình, tự vệ, tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh và phương châm của Chiến lược quốc phòng tối ưu là bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia – dân tộc mà không cần phải tiến hành chiến tranh.

Nổi bật trong chính sách quốc phòng Việt Nam là quan điểm “4 không”: không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Các quan điểm đó cụ thể hóa đường lối độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Đảng trong lĩnh vực quốc phòng; là cơ sở để thực hiện phương châm không chọn phe, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi.

Trong thảo luận, cũng có ý kiến băn khoăn, liên minh, liên kết, hợp tác là xu thế của thế giới, thì “4 không” của ta có “tự trói tay mình không” hay có thụ động không?

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam nêu rõ, xây dựng, chuẩn bị đất nước vững mạnh về mọi mặt; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đối ngoại, hợp tác quốc phòng; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; chủ động ứng phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược; sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tự vệ khi chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia – dân tộc bị xâm phạm…

Điều ta nhấn mạnh là Việt Nam hợp tác quốc phòng vì lợi ích chính đáng của quốc gia – dân tộc và lợi ích chung; phù hợp với luật pháp quốc tế; đóng góp cho hòa bình, ổn định của khu vực, thế giới. Như vậy, sự “lo xa” đó hoàn toàn không có cơ sở.

Tuy nhiên, để tránh cảm giác trên, Ban biên soạn bổ sung vào cuối khổ “4 không” (tr.25) đoạn: “Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước…”; “Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thế, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp…”.

Vì vậy, có người đã khái quát là chính sách quốc phòng “4 không và 1 tùy”.

Lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 tổ chức tại Hà Nội, ngày 25/11/2019. (Nguồn: Báo QĐND)

Răn đe bằng cách nào?

Tại lễ công bố Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019, nhiều câu hỏi của phóng viên, học giả trong nước và quốc tế được trả lời một cách rõ ràng. Tài liệu còn được giới thiệu, phân tích trên báo, tạp chí, kênh truyền hình. Theo đề nghị của Tùy viên Quân sự các nước tại Việt Nam, đại diện Bộ Quốc phòng đã có buổi trao đổi về Sách trắng Quốc phòng.

Một Tùy viên Quân sự nêu câu hỏi: Các ngài nói Việt Nam chủ trương củng cố, phát triển sức mạnh quốc phòng, trong đó sức mạnh quân sự là nòng cốt, “đủ khả năng răn đe và đánh thắng mọi hành động xâm lược và chiến tranh” (Kết luận Sách Trắng Quốc phòng tr. 106). Vậy Việt Nam đã và sẽ có những loại vũ khí gì để có thể “răn đe”?

Theo quan niệm của phương Tây và các nước lớn, nói đến răn đe là nói đến sức mạnh quân sự vượt trội, với những loại vũ khí chiến lược như tên lửa xuyên lục địa (tầm bắn trên 5.500 km), máy bay ném bom chiến lược, vũ khí hủy diệt lớn, đặc biệt là vũ khí hạt nhân.

Cố Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, chủ trì buổi trao đổi hôm đó đã giải đáp. Ông nói, Việt Nam cam kết thực hiện Hiệp định cấm phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Chúng tôi nghiên cứu chế tạo, mua sắm một số loại vũ khí tiên tiến phù hợp với chính sách quốc phòng mang tính hòa bình, tự vệ, chiến lược phòng thủ quốc gia.

Việt Nam bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, hiện đại, vững chắc, đồng bộ cả tiềm lực, lực lượng và thế trận; ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược, buộc thế lực thù địch phải cân nhắc, sẽ bị tổn thất lớn nếu gây chiến. Đó chính là sự răn đe của Việt Nam.

Lời giải đáp khái quát mà rõ ràng của ông nhận được sự đồng tình của những người tham dự buổi trao đổi. Sau đó, ông nói với bộ phận biên soạn, cần chú ý các khái niệm khoa học, diễn đạt chặt chẽ, rõ ràng, tránh dẫn đến bị hiểu sai, nhất là với nước ngoài.

***

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 góp phần quan trọng giới thiệu rộng rãi chính sách quốc phòng Việt Nam, tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa Việt Nam với các nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, phát triển quan hệ bình đẳng, cùng có lợi, vì độc lập dân tộc, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của thế giới, khu vực.

Sau 5 năm, tình hình quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi. Đại hội XIV của Đảng sẽ mở đường đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bối cảnh chiến lược mới, chính sách quốc phòng Việt Nam giai đoạn mới vừa kế thừa vừa bổ sung, phát triển. Những vấn đề đó sẽ được thể hiện trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam vào thời điểm phù hợp.

Theo baoquocte