Tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi số nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Xác định chuyển đối số là xu thế tất yếu, động lực tạo đột phá của sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trên cơ sở đó, tỉnh xác định mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội; Xây dựng số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên, văn hóa, con người để hình thành công dân số, xã hội số, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh, đồng thời bảo đảm an toàn an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh và chủ quyền số quốc gia; phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về chỉ số DTI (chỉ số đánh giá chuyển đổi số) và an toàn, an ninh mạng của cả nước, trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.
Từ nền tảng của chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và bắt tay vào triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh. Đến nay, những tiện ích nền tảng của thành phố thông minh đã thành hình và từng bước hoàn thiện. Thành quả bước đầu chính là việc xây dựng và vận hành mô hình Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Quảng Ninh trong năm 2019 và đây được coi là “bộ não số” của mô hình thành phố thông minh mà tỉnh đang hướng đến.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã và đang được triển khai xây dựng với ba trụ cột: chính quyền số-kinh tế số-xã hội số. Trong đó, kinh tế số được xác định là đột phá, cần được tập trung lãnh đạo chỉ đạo hoàn thành với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số phải đạt 30% GRDP của tỉnh, là một trong những chỉ tiêu quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”.
Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước gửi-nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông bốn cấp và là địa phương sớm tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó, lãnh đạo tỉnh có thể nắm bắt quy trình, tiến độ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp từ cấp xã trở lên, thậm chí cả tên của công chức được giao xử lý thủ tục đó, đồng thời công khai, minh bạch tất cả những thông tin, văn bản của chính quyền các cấp lên Cổng thông tin điện tử từ cấp tỉnh cho đến xã, phường; sử dụng cả các mạng xã hội, fanpage để thông tin, trao đổi trực tiếp với người dân, doanh nghiệp.
Mới đây, Quảng Ninh đã ký kết ghi nhớ hợp tác với ba doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về viễn thông là FPT, Viettel và VNPT triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, hai bên sẽ tăng cường hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh; phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực của hai bên gắn với chuyển đổi số toàn diện ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Khẳng định quyết tâm đồng hành cùng Quảng Ninh, VNPT cam kết dùng mọi nguồn lực và phát huy hết khả năng, thế mạnh, hợp tác toàn diện với tỉnh trong tiến trình chuyển đổi số; hai bên sẽ tăng cường hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của chính quyền, phát triển kinh tế-xã hội; phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, nhất là các khu vực biên giới, hải đảo.
Trước mắt sẽ nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh về đất đai và tài nguyên môi trường; hoàn thiện chức năng của Trung tâm điều hành thông minh IOC của tỉnh Đồng hành cùng với tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động triển khai chuyển đổi số đáp ứng nhiệm vụ của từng đơn vị. VNPT Quảng Ninh là một điển hình trong chuyển đổi số khối doanh nghiệp.
Nắm bắt xu thế phát triển, phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đơn vị đã lắp đặt gần 240 điểm cầu truyền hình đến 100% số xã, phường, thị trấn và các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, bảo đảm kết nối liên thông dịch vụ cho các hội nghị truyền hình trực tuyến từ trung ương đến cấp xã; cùng với đó, đơn vị đẩy mạnh các ứng dụng trực tuyến và cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử, nâng cấp, gia tăng tiện ích, hỗ trợ tối đa cho khách hàng. Năm 2022, đơn vị tiếp tục triển khai xây dựng trạm phát sóng di động đến 100% các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; hạ tầng mạng 5G tại các khu vực đô thị, nâng cao chất lượng hạ tầng mạng truyền số liệu đáp ứng đồng bộ khi triển khai chính quyền số.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cũng tích cực triển khai chuyển đổi số. Đến nay, đơn vị đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tại địa chỉ: https://qn.check.net.vn/ đã đi vào hoạt động ổn định; đồng thời, tích hợp thêm module phần mềm quản lý đánh giá, chấm điểm và phân hạng sản phẩm OCOP tại địa chỉ: https://qn.eocop.vn/.
Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết tâm để trở thành tỉnh điển hình, đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, hướng đến trở thành mô hình mẫu chuyển đổi số của cả nước trong việc áp dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ trong công tác quản lý, điều hành và triển khai các hoạt động kinh tế-xã hội.
Theo Nhân dân