Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Bác đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại cơm no, áo ấm cho nhân dân Việt Nam.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt cho công nhân và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. 9 lần về thăm Quảng Ninh, nơi Bác đến là những vùng hải đảo xa xôi, biên giới, những tầng than, nhà xưởng, nhà máy, công trường… Đến đâu Bác cũng dành khen ngợi tinh thần thi đua yêu nước, lao động sản xuất cần cù sáng tạo, chiến đấu anh dũng của nhân dân các dân tộc và LLVT tỉnh Quảng Ninh. Lời căn dặn của Người như lời hiệu triệu, “ngọn đuốc” soi dường, cỗ vũ, động viên Đảng bộ, nhân dân và thôi thúc toàn quân, toàn dân Vùng mỏ chiến đấu, lao động sản xuất và học tập xây dựng quê hương, đất nước.
Ở mỗi giai đoạn, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh về mọi mặt. Trong đó, tỉnh kiên trì đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng; tinh gọn tổ chức bộ máy, trong sạch vững mạnh, kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực quản trị phát triển bền vững địa phương với các trụ cột: Kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh… Đặc biệt trong giai đoạn gần đây, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, dù đối mặt với nhiều khó khăn, song Quảng Ninh đã có những quyết sách mạnh mẽ, từng bước tháo gỡ khó khăn, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư, khôi phục và phát triển kinh tế.
Nhận định rõ những “điểm nghẽn” cản trở phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh tập trung đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; quan tâm thực hiện hiệu quả công tác tổ chức lập quy hoạch; xây dựng và đề xuất mô hình phát triển mới cho các vùng động lực cùng các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo nguồn lực và tiền đề phát triển lâu dài; giữ vững sức sản xuất của các trụ cột kinh tế, trong đó phát huy tối đa vai trò trụ cột công nghiệp – xây dựng, phát triển KCN, KKT, CCN… Tỉnh phát huy sức mạnh nội lực, huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông. Đến nay Quảng Ninh trở thành điểm sáng trong xây dựng kết cấu hạ tầng; nổi bật là trục cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cùng nhiều công trình hạ tầng giao thông khác, tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế.
Tỉnh không ngừng tìm tòi để đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, hướng trọng tâm vào chất lượng phát triển, chất lượng sống của người dân; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xanh hóa, lấy du lịch làm mũi nhọn gắn với phát triển bền vững kinh tế biển, phát triển hài hòa giữa các vùng lãnh thổ, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy đô thị hóa, phát triển đô thị thông minh, hiện đại, văn minh dựa trên các trụ cột thiên nhiên – con người – văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập…
Ở mọi giai đoạn, tỉnh luôn quan tâm đến chất lượng đời sống nhân dân, đặt yêu cầu cao trong thực hiện chỉ số “hạnh phúc” của người dân. Nắm bắt thực tế mỗi thời điểm, tỉnh ban hành nhiều quyết sách sát hợp nhằm bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, giảm chênh lệch vùng miền với phương châm “lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững, mọi sự phát triển đích cuối đều vì hạnh phúc của nhân dân; phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của phát triển bền vững”.
Qua từng năm, các chính sách và giải pháp bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội được tỉnh triển khai đồng bộ trên các phương diện, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS. Hết năm 2023, thu nhập bình quân tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt trên 73 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2020, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân cả nước, hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người DTTS); 100% xã miền núi có đường ôtô đến tận thôn, bản; 100% xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ dân có nhà ở kiên cố…
Quảng Ninh từ địa phương xuất phát điểm thấp đã trở thành một trong những tỉnh năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành trung tâm đổi mới của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc. Tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10% trong 9 năm liên tiếp (2015-2023), riêng năm 2023 đạt 11,03%; quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc. Quý I/2024 mặc dù bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, nhưng Quảng Ninh vẫn giữ đà tăng trưởng GRDP 8,79%. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đến nay, Quảng Ninh thu hút trên 566.000 tỷ đồng nguồn vốn ngoài ngân sách; trong đó vốn FDI đạt 7,72 tỷ USD, gấp 3,3 lần cả nhiệm kỳ 2016-2020; riêng năm 2023 thu hút FDI đạt 3,1 tỷ USD, riêng quý I/2024 gần 700 triệu USD. Đến nay Quảng Ninh có 7 năm liên tiếp dẫn đầu Chỉ số PCI; 5 năm liên tục dẫn đầu Chỉ số SIPAS; 6 năm dẫn đầu chỉ số PAR Index…
Diện mạo các vùng miền trong tỉnh ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện và nâng lên. Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, ánh sáng tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh và những lời dạy, căn dặn của Người luôn khắc ghi, in đậm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của nhân dân Vùng mỏ được phát huy với khát vọng “Xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp và vững mạnh” đúng như di nguyện của Người.
Bao quang ninh