TCCS – Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đưa ra các luận điệu xuyên tạc, chống phá chủ trương của Đảng ta về việc đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cần nhận diện rõ các luận điệu sai trái, thù địch đó; đồng thời, làm rõ nội dung liên quan, nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhận diện các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc, chống phá chủ trương của Đảng về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Ngày 13-8-2024, phát biểu tại cuộc họp thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, Đại hội XIV của Đảng diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi mang tính thời đại; thời cơ, thuận lợi đi liền với nguy cơ, thách thức. Với thế và lực đã tích lũy được sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, với thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam hội tụ đủ điều kiện cần thiết để chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới. Do đó, “cần thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, từ đó có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về hình thức và nội dung các văn kiện”(1). Đây là chủ trương định hướng cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, nhất là việc đổi mới nội dung, hình thức các văn kiện cho phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới.
Đặc biệt, ngày 20-9-2024, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, đề cập về công tác chuẩn bị nội dung dự thảo các văn kiện, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sự thống nhất của Trung ương khi đánh giá về thế và lực của đất nước sau 40 năm đổi mới: “Với thế và lực đã tích lũy được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và Văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”(2).
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thời điểm khởi đầu là Đại hội XIV của Đảng. Từ chủ trương đúng đắn, thể hiện quyết tâm cao của Đảng ta, các thế lực thù địch, phản động tỏ thái độ hằn học, liên tục đưa ra luận điệu chống phá, hòng xuyên tạc chủ trương của Đảng ta. Có thể nhận diện luận điệu chống phá của các thế lực phản động, thù địch ở các vấn đề chủ yếu sau:
Một là, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội hay trên các trang báo điện tử của các trung tâm truyền thông nước ngoài sử dụng tiếng Việt, các thế lực thù địch rêu rao rằng “kỷ nguyên vươn mình dân tộc Việt Nam là mù mờ, mị dân, hoang tưởng, không có căn cứ trong thực tiễn nên không thể thực hiện được”, “hô hào khẩu hiệu”….
Hai là, chúng quy chụp rằng, quan điểm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam mang tính chủ quan. Thậm chí, có phần tử cơ hội chính trị còn mỉa mai việc cơ quan, bộ, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức hội nghị, hội thảo để khẳng định, lan tỏa những vấn đề lý luận, thực tiễn về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là “đánh chống khua chiêng”, “tát nước theo mưa”!
Những nhận thức nêu trên là phiến diện, sai lầm gây xáo trộn về tư tưởng, niềm tin, ý chí trong một số cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là thủ đoạn hết sức nguy hiểm của các thể lực thù địch trong bối cảnh năm 2025 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, khi cả dân tộc bước vào giai đoạn “tăng tốc về đích”, cần tập trung mọi nguồn lực, phát huy động lực để hoàn thành mục tiêu đề ra. Các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch có thể tác động đến nhận thức, tư tưởng, ý chí, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân nên rất cần có luận cứ đấu tranh xác đáng, thuyết phục.
Thống nhất ý chí trong toàn Đảng, toàn dân về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Kỷ nguyên là một khái niệm mang tính phân kỳ lịch sử, dựa trên sự kiện, dấu mốc có tính bước ngoặt. Đây là một thời kỳ phát triển mới, tạo ra thay đổi căn bản, toàn diện. Kỷ nguyên mới của dân tộc là thời kỳ phát triển mới trong tiến trình lịch sử mà ở đó, mục tiêu, nhiệm vụ đã được thực hiện, đã hoàn thành, sẽ tạo ra bước ngoặt cho tiến trình phát triển để dân tộc bước vào một thời kỳ phát triển mới. Với hàm nghĩa này, từ thế kỷ XX đến nay, có thể nhận định Việt Nam đã có hai sự kiện mang tính bước ngoặt: kỷ nguyên độc lập dân tộc được đánh dấu bằng thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; kỷ nguyên đổi mới đất nước được ghi dấu bằng quyết sách quan trọng về đổi mới đất nước ở Đại hội VI của Đảng (năm 1986), mở ra một giai đoạn phát triển mới cho đất nước; trong đó, kỷ nguyên độc lập mở ra thời kỳ độc lập cho dân tộc, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và hàng nghìn năm phong kiến; kỷ nguyên đổi mới tạo nền tảng quan trọng để chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mang lại thay đổi về chất, mang tính bước ngoặt cho đất nước ta.

Thành phố Hồ Chí Minh hội nhập và phát triển _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc gắn với việc Việt Nam chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới, nâng tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta lên một tầm cao mới.
Một là, điều kiện khách quan để định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hiện nay, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại. Từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để định hình trật tự thế giới mới. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để Việt Nam xác lập vị thế của mình và hoàn thành mục tiêu chiến lược 100 năm. Sự biến chuyển có tính thời đại này là cơ hội to lớn đối với Việt Nam.
Mặc dù thế giới vẫn xảy ra các cuộc xung đột, tranh chấp căng thẳng, kéo dài, nhưng về cơ bản, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng đồng thời là mục đích hướng đến của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cạnh tranh giữa các nước, nhất là các nước lớn tuy quyết liệt, nhưng đều tránh xu hướng đối đầu, xung đột trực diện, mong muốn duy trì hòa bình để ổn định và phát triển. Trong khi đó, những vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống vẫn tiếp tục diễn ra mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được, đòi hỏi có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ để cùng giải quyết nhằm bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích riêng của quốc gia, dân tộc. Mặc dù các cường quốc tiếp tục đóng vai trò chính trong việc thiết lập các mối quan hệ quốc tế, nhưng các quốc gia vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam cũng có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào các diễn đàn khu vực, quốc tế và tham gia vào giải quyết vấn đề toàn cầu. Đó là thời cơ để Việt Nam khẳng định và chứng tỏ tiềm lực, vị thế của mình.