Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là động lực cho sự phát triển trong giai đoạn phát triển mới.
VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA Ý CHÍ, KHÁT VỌNG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG TOÀN DÂN TỘC
Ý chí là khả năng vượt qua mọi khó khăn để đạt được mục đích, là sức mạnh tinh thần to lớn, là động lực cổ vũ con người đứng lên, vượt qua những rào cản trên con đường phấn đấu để đạt được mục đích. Ý chí giúp con người phát huy được sức mạnh bên trong của mỗi cá nhân, đôi khi đến mức độ phi thường. Ý chí của một cộng đồng dân tộc dựa trên sự thống nhất về tư tưởng, có lợi ích chung, tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc trong giành, bảo vệ nền độc lập cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước.
Khát vọng là những mong muốn tốt đẹp của con người với sự thôi thúc mạnh mẽ từ bên trong để đạt được những mong muốn ấy. Cũng như ý chí, khát vọng có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người, gắn với mục đích sống, nuôi dưỡng những hoài bão lớn lao trong họ… Khát vọng chung của nhiều cá nhân trong xã hội tạo thành khát vọng xã hội và đến lượt nó, khi đã hình thành, vận động và phát triển, khát vọng xã hội có tác dụng lôi cuốn mọi cá nhân, vượt qua những chần chừ, dao động, tính toán thiệt hơn…, để tham gia thực hiện thành công khát vọng chung của xã hội.
Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, sự hình thành và phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc phụ thuộc trước hết vào ý chí và khát vọng sống, tồn tại và phát triển của cộng đồng dân tộc, tự mình cố kết lại để bảo vệ mình trước sức mạnh của tự nhiên, của các thế lực bên ngoài muốn thôn tính, đô hộ, áp bức, đồng hóa dân tộc. Lịch sử đã chứng minh không hiếm dân tộc, nền văn minh trên thế giới bị đồng hóa, bị tiêu diệt trong quá trình biến thiên lâu dài của lịch sử, khi không có sự đoàn kết toàn dân tộc, thiếu ý chí, khát vọng độc lập, tự cường và phát triển.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí và khát vọng phát triển đất nước gắn liền với tấm gương và sự nêu gương về trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tế lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng minh rất rõ vai trò của ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển. Hòn đá thề trên đỉnh núi Hy Cương, Phú Thọ nói lên ý chí, khát vọng độc lập của Vua Hùng và Thục Phán, về sự đoàn kết, thống nhất để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập. Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đền nợ nước, trả thù nhà. Triệu Thị Trinh hùng hồn khẳng định: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp người”…
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cháu học sinh trường Trưng Vương, Hà Nội (tháng 5-1955).
Ý chí khát vọng độc lập, hùng cường của dân tộc Việt Nam đã thể hiện rất rõ trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi:
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có…”
Trong những khúc quanh của lịch sử, cộng đồng dân tộc đã sinh ra những vĩ nhân, nhìn xa, trông rộng, như Nguyễn Trường Tộ, Vũ Duy Thanh… với tư tưởng cải cách, đổi mới để phát triển, xây dựng đất nước độc lập, hùng cường trước hiểm họa xâm lược từ các nước tư bản phương Tây. Lịch sử lâu dài của dân tộc đã chứng tỏ, ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc là nguồn nội lực xã hội khổng lồ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những thành tựu và bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước 35 năm qua một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong toàn dân tộc. Bài học kinh nghiệm quý giá nhất của công cuộc đổi mới là dựa vào sức dân, phát huy tinh thần và ý chí khát vọng của nhân dân trong chiến tranh cách mạng vào xây dựng phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường hòa bình. Kết quả của công cuộc đổi mới không chỉ thể hiện bằng những thành tựu về kinh tế, xã hội, mà còn là bài học về phát huy ý chí, khát vọng phát triển, xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc, để “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy ý chí, khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc gắn liền với tư tưởng của Người về cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc, “trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới”; với tinh thần chủ động, tự lực cánh sinh, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Ngay sau khi giành được nền độc lập, Người đặt tên nước Việt Nam gắn với các cụm từ “dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc” và trong lời dặn trước lúc đi xa Người mong muốn “tột bậc” về một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Việc giữ vững độc lập, tự chủ, khơi dậy và phát huy ý chí tự cường, khát vọng phát triển của toàn dân tộc góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức đối với độc lập, hòa bình và phát triển của dân tộc.
Tháng 9/1945, ngay sau khi nước nhà được độc lập, Người viết thư cho học sinh, sinh viên trong ngày khai trường năm học đầu của nước Việt Nam mới, trong đó có đoạn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(1). Thể hiện ý chí và vai trò của tự lực, tự cường trong quan hệ quốc tế, Người dặn: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(2).
Tháng 5/1965, khi tròn 75 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động viết bản Di chúc, để lại những lời dặn tâm huyết nhất cho Đảng và nhân dân ta. Về khát vọng phát triển của dân tộc, Người viết: “…Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!” và đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí và khát vọng phát triển đất nước gắn liền với tấm gương và sự nêu gương về trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minhkhi đã trở thành người lãnh đạo cao nhất đã nhấn mạnh đầy đủ, thẳng thắn nhất về mong muốn của mình khi trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(3).
Toàn bộ cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ ý chí và khát vọng của Người cho độc lập dân tộc và phát triển. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó… Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”(4). Trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phóng viên báo Granma (Cuba), vào ngày 14-7-1969, Người nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.
Ý chí, khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập của Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, hùng cường cho dân tộc và sự hy sinh, cống hiến trọn đời của Người cho niềm mong ước ấy là tấm gương mẫu mực về trách nhiệm của mỗi người Việt Nam trong bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc, xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là góp phần hiện thực hóa tư tưởng của Người trong công cuộc Đổi mới của Đảng và nhân dân ta hiện nay.
ĐỘNG LỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN TRONG GIAI ĐOẠN MỚI
Bối cảnh quốc tế và những xu hướng phát triển của thời đại đặt yêu cầu phải phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, ý chí, khát vọng của toàn dân tộc cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Sự đồng lòng của nhân dân là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã dự báo tình hình thế giới sẽ “…tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường”. Đáng chú ý, Văn kiện đã chỉ rõ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng đang bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt… Trong hoàn cảnh thế giới phát triển phụ thuộc lẫn nhau, lợi ích quốc gia, dân tộc là nhân tố quyết định để mỗi quốc gia dân tộc tham gia vào các mối quan hệ quốc tế, hội nhập quốc tế thành công. Ngoài tiềm lực kinh tế, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển của toàn dân tộc là chỗ dựa và điều kiện để mở rộng quan hệ hợp tác, hội nhập quốc tế. Trong điều kiện cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, phức tạp, tác động mạnh mẽ đến Việt Nam hiện nay, việc giữ vững độc lập, tự chủ, khơi dậy và phát huy ý chí tự cường, khát vọng phát triển của toàn dân tộc góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tận dụng cơ hội và hóa giải những thách thức đối với độc lập, hòa bình và phát triển của dân tộc.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội và khoa học, công nghệ hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển rất mạnh mẽ, tạo nên đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Vai trò của nhân tố con người, đặc biệt là tri thức, trí tuệ, sáng tạo có ý nghĩa quyết định để có sự phát triển đột phá, làm thay đổi vị thế quốc gia trên bản đồ thế giới. Chúng ta có quyền tự hào về một dân tộc Việt Nam thông minh, sáng tạo, một đội ngũ người lao động có trình độ học vấn khá cao, một môi trường phát triển và hội nhập quốc tế có nhiều thuận lợi nhờ thắng lợi của công cuộc đổi mới và đường lối đối ngoại đúng đắn…, giúp nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Đúng như khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Và: “… Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(5). Hơn lúc nào hết, cần phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển trong toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh làm động lực cho sự phát triển trong giai đoạn phát triển mới.
Phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí tự cường và khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và mỗi người dân để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên xác định 5 quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó, quan điểm về động lực phát triển nêu rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”. Để thực hiện quan điểm này, Nghị quyết yêu cầu phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam. Bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.
Để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trong thời kỳ mới, cần tập trung thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau:
Một là, khơi dậy, nhân lên, phát huy giá trị, sức mạnh nội sinh của ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ chính ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc khi được khơi dậy, nhân lên, phát huy phù hợp sẽ tạo ra sức mạnh muôn người như một. Trong giai đoạn hiện nay, làm cho ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trở thành ý chí, khát vọng phát triển của mỗi người con đất Việt là trách nhiệm của Đảng, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ ý chí, khát vọng của mình, gương mẫu, làm lan tỏa, nhân lên ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc.
Hai là, để ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trở thành nguồn nội lực phát triển của đất nước, cần tập trung tuyên truyền, khẳng định những thành tựu rất đáng tự hào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt được. Những thành tựu đó cũng là kết quả của sự phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của toàn dân tộc trước đây cũng như trong giai đoạn hiện nay. Từ đó, chúng ta thêm tin tưởng, tự hào, quyết tâm; thêm cơ sở khẳng định sự đúng đắn của con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Ba là, tiếp tục tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý văn hóa, quản lý con người,… Xóa bỏ triệt để cơ chế bao cấp, xin – cho, tạo điều kiện để tất cả các thành phần kinh tế, mỗi gia đình, cá nhân, địa phương… đều có cơ hội phát triển, làm giàu cho mình cho đất nước. Ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc chỉ có thể được phát huy trên nền tảng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân. Điều này phải được coi là nhân tố có ý nghĩa quyết định trong phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc.
Muốn phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trong bất kỳ thời đại nào cũng phải dựa vào dân; tin vào sức mạnh phi thường của quần chúng nhân dân
Bốn là, muốn phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc trong bất kỳ thời đại nào cũng phải dựa vào dân; tin vào sức mạnh phi thường của quần chúng nhân dân. Sự đồng lòng của nhân dân là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc. Trong tình hình mới hiện nay, sự lãnh đạo đúng đắn, nhạy bén của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài là điều kiện để phát huy có hiệu quả ý chí, khát vọng phát triển của dân tộc Việt Nam./.
_________
(1) (2) (3) (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.4, tr. 35, tr.147, tr.187, tr.240.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021, t.1, tr.104, tr. 105.
Theo Tạp chí tuyên giáo