Bất kể trời mưa gió, cứ khoảng 20g, nhóm bạn trẻ lại tập hợp ở gần vòng xoay đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang để sẵn sàng hỗ trợ người hư xe máy giữa đường. Nhóm hiện có 11 người, lớn nhất 29 tuổi, nhỏ nhất 17 tuổi, đều độc thân và là con nhà nghèo.
Người lập ra nhóm thiện nguyện này là Cao Quốc Trí – 29 tuổi, nhà ở ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, H.Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cách TP.Mỹ Tho chừng 15 phút chạy xe máy.
Gia đình Trí nghèo, không ruộng vườn. Cha mẹ anh sống bằng nghề cho thuê rạp cưới. Tốt nghiệp ngành điện công nghiệp, Trường cao đẳng nghề Tiền Giang, Trí đi làm cho siêu thị Điện Máy Xanh một thời gian thì chuyển sang làm nhân viên tín dụng cho một chi nhánh ngân hàng tại TP.Mỹ Tho, ngày làm ở cơ quan, đêm làm thiện nguyện. Ngoài đứa em gái đang học lớp 7, Trí có người em trai cũng theo đội cứu hộ gần bốn năm nay.
Cao Quốc Trí kể về việc thành lập đội: “Em thường đi làm về muộn, nhiều lúc bị hư xe giữa đường, phải dắt bộ mấy cây số mà chẳng biết nhờ ai. Một lần, ngồi uống cà phê với vài người bạn có tay nghề sửa xe máy, em gợi ý lập nhóm thiện nguyện chuyên cứu hộ xe máy về đêm, các bạn đồng tình ngay. Vậy là từ năm 2019, đội cứu hộ ra đời. Sau khi xin được bộ đồ nghề sửa xe, bọn em lập trang trên Facebook (fanpage) với tên gọi “Mỹ Tho Confessions” và công khai số điện thoại để mọi người biết”.
Công việc này đòi hỏi phải di chuyển liên tục, thức khuya, cực nhọc, chịu đựng mưa gió và hoàn toàn thiện nguyện nên bạn nào tâm huyết lắm mới làm lâu được. Thời gian hoạt động của đội cứu hộ là từ 20g cho đến 1g sáng hôm sau nhưng vào cuối tuần và trong dịp lễ, tết, thời gian hoạt động có thể kéo dài tới 4 – 5g sáng. Như tết Nguyên đán vừa rồi, anh em trong nhóm phải hoạt động tới 4g sáng mùng Một tết, không có thời gian đón giao thừa cùng gia đình.
Địa bàn hoạt động của đội cứu hộ chủ yếu là TP.Mỹ Tho nhưng nửa đêm, có những cuộc gọi từ các huyện Chợ Gạo, Châu Thành, Tân Phước và thậm chí ở tỉnh Bến Tre, anh em cũng không nỡ từ chối.
Nói vậy nhưng các bạn cho biết, buổi tối mà không ra đường cứu hộ, ở nhà lại thấy buồn buồn. Cũng có bạn tâm sự, mình làm thiện nguyện nhưng có người không hiểu. Ví dụ, khi có nhiều cuộc gọi cùng lúc, anh em không thể cùng lúc đến ngay nhiều nơi. Bà con phải chờ lâu nên khi anh em tới, họ chửi hoặc nói nặng lời. Họ nghĩ đó là trách nhiệm mà đội phải làm.
Theo Doanh Nhân VN247