Nỗ lực hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số

Mục tiêu từ nay đến năm 2025 và giai đoạn tới, Quảng Ninh phấn đấu đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện; nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về an toàn, an ninh mạng… Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh và các ngành chuyên môn, địa phương đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chuyển đổi số của tỉnh và Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.

 Lắp đặt Camera AI giám sát an ninh trật tự là giải pháp chuyển đổi số hàng đầu được các phường, xã, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh lựa chọn triển khai.

Kế hoạch 73/KH-UBND (ngày 13/3/2024) của UBND tỉnh về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2024 đặt ra 20 mục tiêu và 35 nhiệm vụ. Đến nay, có 6/20 mục tiêu hoàn thành, gồm: 90% dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ/số thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ; tỷ lệ khai khác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt tối thiểu 50%; 100% các cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; trên 99% doanh nghiệp và tổ chức nộp thuế điện tử; tỷ lệ hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện nộp thuế điện tử đạt trên 50%; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 99%; hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 93%.

5/35 nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2024 cũng đã hoàn thành, như: Xây dựng và triển khai Kế hoạch truyền thông về chuyển đổi số năm 2024 theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đồng thời chú trọng đổi mới và phát huy hiệu quả các kênh truyền thông về chuyển đổi số trên các hạ tầng truyền thông của tỉnh; nghiên cứu xây dựng, trình ban hành Quy định CBCCVC bắt buộc sử dụng các nền tảng số, các công cụ số để xử lý công việc; xây dựng kế hoạch phổ cập điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025; triển khai phổ cập cho người dân sử dụng ứng dụng VNeID, là danh tính số, có giá trị tương đương thẻ căn cước đồng thời là tài khoản dịch vụ công trực tuyến; thành lập 5 mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân.

Ngoài ra, đối với 6 nhiệm vụ thực hiện theo kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2024, tỉnh cũng hoàn thành nhiệm vụ triển khai các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm kỹ thuật, kết nối với hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ (Hệ thống EMC) và nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống thông tin báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương.

Việc nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số đã mang đến những tiện ích, giá trị hưởng thụ cho nhân dân trong sinh hoạt hàng ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh.

Nhờ tích cực chuyển đổi số, người dân trên địa bàn tỉnh dễ dàng tiếp cận các công nghệ số qua tiện ích trên điện thoại thông minh.

Anh Phạm Huy Cường (xã An sinh, TX Đông Triều) cho biết: Mặc dù sinh sống ở vùng nông thôn nhưng hiện nay việc tiếp cận với chuyển đổi số rất dễ dàng, hầu như ai cũng có smartphone và sử dụng thành thạo các loại app để giải trí hay thực hiện các giao dịch thiết yếu, nhất là việc sử dụng ứng dụng VNeID hay thanh toán không dùng tiền mặt mọi nơi. Người dân rất hưởng ứng vì thấy trực tiếp được hưởng lợi từ chuyển đổi số.

Còn theo anh Nguyễn Việt Hà, Phó Giám đốc Cty TNHH Thương mại Bình Dương Quảng Ninh, việc triển khai toàn diện chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, xuất hóa đơn trong mỗi lần mua bán xăng, dầu tại các tất cả các cây xăng đã tạo ra sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, công khai minh bạch, chống thất thu thuế cũng giúp doanh nghiệp quản lý hàng hóa trên hệ thống khoa học hơn nhiều so với trước đây.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, như: Hiện nay phần mềm quản lý chuyên ngành vẫn chưa kết nối liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu được với hệ thống chính quyền điện tử tỉnh (kế hoạch và đầu tư, giao thông vận tải, bảo hiểm xã hội, thuế, công an, điện…) dẫn đến việc cán bộ giải quyết thủ tục hành chính phải thao tác đồng thời trên cả 2 hệ thống, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát thực hiện và tổng hợp báo cáo. Các cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành trung ương chưa được tích hợp hoặc đã tích hợp nhưng chưa được khai thác, sử dụng (Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Hệ thống mã bưu chính Vpostcode, Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia…). Bên cạnh đó, một số tài khoản của cán bộ tiếp nhận mới có chức năng tra cứu Cơ sở dữ liệu về dân cư; chức năng tra cứu thông tin hộ gia đình trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chưa được chia sẻ; nhiều thông tin trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chưa chính xác dẫn đến công dân không giải quyết được thủ tục hành chính…

Để quá trình chuyển đổi số được triển khai toàn diện hơn nữa, trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị tập trung chuyển đổi ở số tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực thiết yếu, như: Y tế, giáo dục, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải và logistics, cửa khẩu số…. Qua đó, góp phần xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, cũng như mục tiêu đứng trong tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số toàn diện của Quảng Ninh sớm thành hiện thực.