Không để tổ chức đảng thành công cụ của sai phạm – Bài 2: Khi nguyên tắc Đảng bị lạm dụng, bóp méo

Trong các nguyên tắc của Đảng thì tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình là những nguyên tắc rất cơ bản trong lãnh đạo, tổ chức và sinh hoạt Đảng. Tuy nhiên, khi vận hành, với động cơ cá nhân, lợi ích nhóm, các nguyên tắc này bị lợi dụng, lạm dụng, bóp méo, trở thành bình phong, hợp lý hóa cho các sai phạm của lãnh đạo…

Khi “tập trung” và “dân chủ” bị tách rời

Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản, nguyên tắc có tính chất xương sống trong tổ chức của chính đảng mác-xít. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thường gọi đây là nguyên tắc dân chủ tập trung với hàm ý nhấn mạnh, đề cao thành tố dân chủ trong nội hàm cùng với thành tố tập trung. Người chỉ rõ rằng: “Toàn thể đảng viên, toàn thể các cấp, tổ chức thống nhất lại theo một nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc ấy tức là dân chủ tập trung”. Người chỉ rõ đây là nguyên tắc lãnh đạo, nguyên tắc tổ chức cao nhất, là chế độ lãnh đạo của Đảng.

Có thể thấy nguyên tắc tập trung dân chủ thể hiện đặc trưng cốt lõi và có ý nghĩa quyết định tới chất lượng, hiệu quả trong lãnh đạo, tổ chức và sinh hoạt Đảng. Tuy nhiên, qua thực tế thì nhiều vụ việc vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước thời gian qua đều liên quan đến việc chấp hành và thực thi nguyên tắc này.

Theo số liệu của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng ở nhiều tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trong cả nước. Cụ thể, đã xử lý 214 tổ chức đảng vi phạm về các nguyên tắc tập trung dân chủ, chiếm 24,6% số tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật; 3.943 trường hợp đảng viên vi phạm bị kỷ luật về nguyên tắc tập trung dân chủ, chiếm 7,1% tổng số đảng viên bị xử lý kỷ luật. Phần lớn các vụ việc vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xuất phát từ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Ảnh minh họa: TTXVN

Điều đáng nói ở đây là nguyên tắc tập trung dân chủ được xác lập và quy định rất chặt chẽ, cả trong Điều lệ Đảng cũng như nhiều văn bản hướng dẫn thực thi cụ thể của Đảng nhưng sao vẫn bị bóp méo và bị lợi dụng, lạm dụng để làm vỏ bọc cho các quyết định sai trái của lãnh đạo? Câu trả lời ở đây chính là do cách nhận thức và ở khâu vận hành nguyên tắc.

Cần khẳng định rằng, nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc thống nhất, quy định cách tổ chức, hoạt động của Đảng, trong đó, tập trung phải trên cơ sở dân chủ, dân chủ phải đi đôi với tập trung; đảng viên bình đẳng về quyền và trách nhiệm; các cơ quan lãnh đạo của Đảng do bầu cử lập ra; nghị quyết của Đảng được quyết định theo đa số; thiểu số phục tùng đa số; tổ chức đảng cấp dưới phục tùng tổ chức đảng cấp trên; đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng…, nhằm bảo đảm cho Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, kỷ luật nghiêm minh.

Trong nguyên tắc tập trung dân chủ, tập trung và dân chủ quy định lẫn nhau. Tập trung mà không có dân chủ thì sẽ trở thành tập trung quan liêu, chuyên quyền, độc đoán; còn dân chủ mà không đi tới tập trung thì sẽ rơi vào tình trạng dân chủ vô tổ chức, hỗn loạn.

Nguyên tắc tập trung dân chủ quy định chế độ làm việc, ra quyết định đặc thù của Đảng. Nếu như trong chế độ thủ trưởng, người đứng đầu được tự quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình thì trong Đảng, người đứng đầu cấp ủy phải theo chế độ lãnh đạo tập thể, các quyết định lãnh đạo phải được thảo luận và quyết định theo đa số. Vừa qua, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý đồng thời là người đứng đầu cấp ủy đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ ở nội dung này, áp đặt, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể lãnh đạo, dẫn đến quyết định chủ trương không đúng quy định, vượt thẩm quyền, vi phạm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, quy chế làm việc của cấp ủy, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu tới tình hình chính trị, xã hội và uy tín của Đảng. Như thế, ở những cơ quan, đơn vị, địa phương khi người đứng đầu nắm cả hai vai, vừa là thủ trưởng cơ quan, vừa là người đứng đầu cấp ủy, nếu không nắm vững nguyên tắc, đồng thời nếu không có sự kiểm soát và kiềm chế của tập thể thì rất dễ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Nguyên tắc tập trung dân chủ quy định tổ chức đảng các cấp quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, tuy nhiên không được nhân danh tổ chức đảng ra nghị quyết trái với nguyên tắc, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên. Vừa qua, không ít cấp ủy đảng đã vi phạm quy định này.

Ở các tổ chức đảng vi phạm, người đứng đầu không bám sát vào các nội dung nguyên tắc, thiếu thảo luận dân chủ, áp đặt ý kiến chủ quan cá nhân. Dân chủ trở thành hình thức, giả hiệu, chỉ là bình phong bên ngoài, còn nội hàm bên trong lại bị một số cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu chi phối, lũng đoạn, chèo kéo, ép buộc, thậm chí hăm dọa để bắt tập thể theo ý mình. Nhiều cá nhân trong tổ chức đảng thể hiện sự tập trung theo lối a dua, xu nịnh, “theo đóm ăn tàn”, bất chấp nguyên tắc. Dân chủ bị vận hành sai quy trình và tập trung bị “cá nhân hóa”. Do đó, ý kiến của các cán bộ, đảng viên không được lắng nghe, không được cân nhắc để tiếp thu, thậm chí còn bỏ qua việc xin ý kiến, từ đó các vi phạm pháp luật đã không được ngăn chặn.

GS, TS Nguyễn Hữu Khiển, nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ là lấy ý kiến của đa số để ra quyết định. Những sai phạm của cá nhân lãnh đạo về nguyên tắc tập trung dân chủ vừa qua là do sai quy trình dân chủ, dân chủ hình thức, quan liêu. Một số lãnh đạo có phong cách điều hành lấy quyền uy làm chính, khiến cấp dưới ngại ý kiến.

Ở không ít nơi, người đứng đầu đã dùng nhiều chiêu trò, thủ đoạn để buộc tập thể thông qua các quyết định có tính chất cá nhân, lợi ích nhóm. Chiêu trò, thủ đoạn thường là cung cấp thông tin không đúng, hướng lái người khác theo ý mình, hứa hẹn, ràng buộc lợi ích nào đó hoặc dùng ảnh hưởng, quyền lực để gây sức ép, áp lực buộc người khác phải ủng hộ hay “im lặng là đồng ý”… Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương từng nhấn mạnh rằng: “Vừa rồi, chúng ta kỷ luật một số tổ chức đảng, cơ bản là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ. Dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan, không tôn trọng dân chủ”.

Trong trường hợp này, nguyên tắc tập trung dân chủ trở thành bình phong. Ý chí, lợi ích cá nhân được “vỏ bọc” tập thể bảo vệ. Vì thế mới có chuyện, về hình thức thì thực hiện đúng quy trình nhưng kết quả vẫn là những sai phạm, hậu quả khôn lường…

“Mũ ni che tai”

Thực tế là nhiều vi phạm, thậm chí vi phạm kéo dài của tập thể, cá nhân, nhất là của người đứng đầu nhưng không được phát giác, xử lý kịp thời. Ở đấy, quần chúng biết, cán bộ, đảng viên biết nhưng không dám, không muốn hoặc không thể ý kiến, đành chấp nhận “mũ ni che tai”. Thực trạng này có nguyên nhân từ việc nhận thức và thực thi nguyên tắc tự phê bình và phê bình-vũ khí hữu hiệu để bảo đảm sự tồn tại và phát triển của Đảng.

Trở lại với các vụ việc sai phạm gần đây đã được kết luận, xử lý cho thấy nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả lãnh đạo cấp cao vi phạm nhiều khuyết điểm nghiêm trọng trong thời gian dài. Trong đó, chủ yếu là: Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát dẫn đến gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước; mất đoàn kết nội bộ; vi phạm các quy định trong công tác cán bộ, quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng đất đai, tài chính, tài sản; tham nhũng… hoặc những vi phạm do độc đoán, gia trưởng, tham gia tệ nạn xã hội, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm… Những vi phạm này, không thể nói là cán bộ, đảng viên, quần chúng, đồng chí, đồng nghiệp ở cơ quan, đơn vị đó không biết, nhưng do tinh thần đấu tranh, phê bình, tự phê bình của tập thể và mỗi cá nhân yếu, không thẳng thắn góp ý, phê phán nên sai phạm của lãnh đạo càng có cơ hội “tự tung tự tác”, ngày càng nghiêm trọng, kéo dài.

Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), những vụ sai phạm tập thể cũng cho thấy việc thực hành dân chủ trong nội bộ các tổ chức đảng chưa tốt, thậm chí là hình thức, dẫn đến việc cán bộ, đảng viên thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Chính vì thiếu dân chủ, thiếu sự đấu tranh đã làm tê liệt các tổ chức đảng.

Tự phê bình và phê bình ở các cấp ủy, tổ chức đảng kém tác dụng, thậm chí bị vô hiệu hóa bắt nguồn từ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu không gương mẫu, cầu thị, thậm chí lợi dụng nguyên tắc tự phê bình và phê bình để hạ uy tín người khác hoặc gây bè, kết cánh, tạo “cánh hẩu”, trù dập người ngay. Trong nội bộ, nhiều người nể nang, ngại va chạm, sợ đấu tranh thì “tránh đâu”, tinh thần phê và tự phê trở nên lạc lõng hoặc tê liệt. Có người rất hăng hái phê bình nhưng khi tự phê bình thì né tránh hoặc làm chiếu lệ. Lại có hiện tượng xuê xoa, vuốt ve nhau trong phê bình. Tính chất của nguyên tắc phê bình và tự phê bình bị bóp méo.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thảo, Học viện Chính trị Khu vực II nêu thực trạng, không ít nơi, người đứng đầu thiếu tôn trọng và lắng nghe ý kiến của đảng viên, phân biệt đối xử, trù dập với ý kiến thuộc về thiểu số, trái với chủ trương của người đứng đầu, dẫn đến tình trạng thờ ơ, vô cảm, ngại trình bày ý kiến…

Ở đây, cũng cần nhấn mạnh thêm về vai trò của chi bộ trong vận hành các nguyên tắc Đảng nói chung, tự phê bình và phê bình nói riêng để phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các sai phạm. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng”, “Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”, “các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”… Các đảng viên dù ở cương vị nào cũng sinh hoạt ở một chi bộ cụ thể. Cho nên, nếu chi bộ thực sự mạnh, thực thi nguyên tắc vững vàng, tinh thần đấu tranh tốt thì chắc chắn không có chuyện cá nhân lạm quyền, lộng quyền, dẫn tới các sai phạm nghiêm trọng, kéo dài.

Tuy nhiên, trong thực tế, các sai phạm của nhiều lãnh đạo lại không được phát giác, “vạch mặt chỉ tên” tại nơi “gốc rễ”, nơi “đồn lũy của Đảng”. Những cán bộ giàu lên bất thường với những biệt phủ, siêu xe hay bổ nhiệm thần tốc, ồ ạt con cháu, người thân vào các cơ quan công quyền hoặc những biểu hiện vi phạm nguyên tắc, tác phong độc đoán, gia trưởng… chi bộ, đảng viên ở đó không thể không biết. Tuy nhiên, trong sinh hoạt, các nguyên tắc Đảng bị xem nhẹ, không được vận hành nghiêm túc và hiệu quả. Các đảng viên trong chi bộ bị ràng buộc bởi các quan hệ, lợi ích hoặc tư tưởng cầu an, việc của ai người ấy làm dẫn đến thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, đoàn kết xuôi chiều theo cái sai… Hậu quả là người vi phạm “nhọ ở mặt nhưng không nhìn thấy” hoặc “cái sảy nảy cái ung” thậm chí xem nhẹ tổ chức, ngày càng lộng hành, biến chi bộ, tổ chức đảng thành bình phong, công cụ cho các sai phạm.

Công tác kiểm tra, giám sát chưa kịp thời

Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng tuy đã có nhiều đổi mới và có đột phá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chất lượng, hiệu quả chưa đều ở các cấp, việc tự kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế.

Cơ quan kiểm tra, giám sát có nơi, có lúc chưa phát huy hết tinh thần, trách nhiệm trong xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung kiểm tra, xác định những vấn đề yếu kém, nổi cộm, nhất là phát hiện dấu hiệu vi phạm để ngăn chặn kịp thời. Trong kiểm tra, giám sát ở một số nơi còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, chưa nói thẳng, nói thật, thậm chí bao che, dung túng cho những hành vi sai trái, chưa dựa vào nhân dân để lắng nghe phản ánh những vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên… Có một thực tế là trong nhiều vụ việc, mặc dù đã có dấu hiệu vi phạm, đã có những đơn tố cáo nhưng do công tác kiểm tra đảng không được thực hiện kịp thời, quyết liệt nên những cá nhân sai phạm càng được thể lấn tới, càng lún sâu vào sai phạm, hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm…; còn nhiều tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời.

Đó là những nguyên nhân khiến một số tổ chức đảng gần như bị tê liệt, trở thành bình phong, công cụ của sai phạm. Vì thế, cần phải tìm ra phương thuốc để chữa trị căn bệnh rất nguy hiểm nêu trên.

(còn nữa)

Một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, thẳng thắn phê bình, tự phê bình, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn mắc vào chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất; thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân…

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Theo QĐND