Bảo đảm quyền của người lao động để thúc đẩy quá trình hội nhập

Quyền của người lao động, trong đó có các quyền như thành lập tổ chức tại doanh nghiệp, thương lượng tập thể và không bị cưỡng bức lao động, là một bộ phận của hệ thống quyền con người mà Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và thực hiện thông qua các chủ trương, chính sách lớn.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà các thế lực thiếu thiện chí, thù địch hay lợi dụng để bịa đặt, bôi xấu Việt Nam.

Thời gian gần đây, một số cá nhân và tổ chức phương Tây liên tục có các hoạt động vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Họ cáo buộc Việt Nam hạn chế quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể của người lao động tại các doanh nghiệp; vu cáo Việt Nam không thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong các hiệp định thương mại quốc tế như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), vi phạm các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Đơn cử, một số cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam xuyên tạc rằng Bộ luật Lao động Việt Nam có nội dung vi phạm quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Không dựa trên cơ sở nào, không đưa ra bằng chứng cụ thể nào, các cá nhân này hết khẳng định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoàn toàn không phải là một tổ chức độc lập để bảo vệ quyền lợi của người lao động, lại bịa ra rằng Việt Nam cưỡng bách lao động tù nhân, sử dụng lao động trẻ em.

Cũng với giọng điệu xuyên tạc, có tổ chức đã chỉ trích Bộ luật Lao động Việt Nam không tuân thủ các nghĩa vụ trong CPTPP liên quan đến quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể. Một số cá nhân và tổ chức phương Tây thì dựng chuyện Việt Nam bỏ tù một số nhân vật mà họ cho là thuộc tổ chức xã hội dân sự độc lập vì đã nộp đơn tham gia nhóm tư vấn giám sát việc thực thi Hiệp định EVFTA theo quy định của hiệp định này.

Liên đoàn Lao động phối hợp Tỉnh đoàn Bình Dương trao quà hỗ trợ đến công nhân. Ảnh minh họa/ qdnd.vn

Đây hoàn toàn là những điều bịa đặt, những cáo buộc phi lý bởi nó không phản ánh thực tế khách quan, phủ nhận những nỗ lực vì con người của Việt Nam. Vấn đề quyền con người ở Việt Nam luôn được ghi nhận trong các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến nay. Con người, trong đó có giai cấp công nhân và người lao động, được xác định là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và động lực phát triển. Trong hơn 30 năm kể từ thời điểm tái gia nhập ILO (năm 1992), Việt Nam luôn thể hiện nỗ lực cam kết và thực hiện các công ước quốc tế nói chung, các công ước quốc tế về quan hệ lao động nói riêng, nhằm thúc đẩy và bảo đảm tiêu chuẩn lao động cơ bản cho người lao động ở Việt Nam theo đúng các chuẩn mực quốc tế về quyền của người lao động.

Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Chỉ riêng trong năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn 3 công ước của ILO, bao gồm Công ước 88 về tổ chức dịch vụ việc làm, Công ước 159 về tái thích ứng việc làm cho người khuyết tật, Công ước 98 về quyền thương lượng tập thể. Đặc biệt, Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2021) thể hiện nhiều ưu việt trong việc cụ thể hóa các quy định của công ước quốc tế về lao động. Các nội dung quan trọng nhất của cả 8 công ước cơ bản của ILO đều đã được phản ánh trong các quy định của bộ luật này. Trong đó có Công ước 98 là công ước cốt lõi, bản lề của ILO trong khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, trở thành một cấu phần quan trọng của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, cũng như trong phần lớn chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia.

Đặc biệt, kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn tính tất yếu của việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, cụ thể là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và kèm theo đó là việc cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn chung, trong đó có vấn đề quyền của người lao động, nhất là quyền tự do liên kết, quyền tự do lập hội. Ngay từ Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: “Bảo đảm sự ra đời, hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp phù hợp với quá trình hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, kiện toàn các công cụ, biện pháp quản lý nhằm tạo điều kiện để tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế, đồng thời giữ vững ổn định chính trị-xã hội”. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sau khi định hướng một số nhiệm vụ lớn xây dựng giai cấp công nhân và phát triển tổ chức công đoàn đã khẳng định: “Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay”.

 Những định hướng trên phản ánh quá trình nhận thức của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong vấn đề bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực lao động. Trên cơ sở đó, Bộ luật Lao động lần đầu tiên quy định cho phép người lao động được thành lập tổ chức đại diện cho mình tại doanh nghiệp, ngoài Công đoàn Việt Nam, gọi là tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Đây là một tổ chức mới, độc lập với Công đoàn Việt Nam, được xác lập trên cơ sở mở rộng quyền lựa chọn cho người lao động. Theo quy định của Bộ luật Lao động, công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động. Điểm mới này có thể coi là bước tiến về công nhận quyền của người lao động tại cơ sở trong quá trình cử đại diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của họ, bác bỏ hoàn toàn những luận điệu xuyên tạc rằng Bộ luật Lao động Việt Nam vi phạm quyền thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Theo chức năng quy định, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong khi đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được xác định là tổ chức xã hội/nghề nghiệp, làm chức năng đại diện bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong phạm vi quan hệ lao động.

Một bước tiến nữa trong việc bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực lao động là việc Việt Nam phê chuẩn Công ước 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức vào tháng 6-2020. Trong bối cảnh vấn đề lao động cưỡng bức trên thế giới được ILO cảnh báo là “khẩn cấp”, nỗ lực này của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực. Bà Corrine Vargha, Trưởng ban Tiêu chuẩn Lao động quốc tế của ILO cho rằng với việc phê chuẩn này, Việt Nam chứng tỏ cam kết mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh chống lại lao động cưỡng bức dưới mọi hình thức. Còn ông Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam thì khẳng định: “Đây là minh chứng cho thấy Chính phủ và các đối tác xã hội của Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức mình để có một khung khổ pháp lý tốt hơn nhằm mở đường cho Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao một cách bền vững”.

Liên quan đến một số nhân vật như Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách mà các thế lực chống đối cho là bị Việt Nam bỏ tù vì đã nộp đơn tham gia nhóm tư vấn giám sát việc thực thi Hiệp định EVFTA, đây thực chất là những người vi phạm pháp luật và đã bị tòa án xét xử công khai. Tháng 1-2022, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm bị cáo Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) 4 năm tù vì trốn thuế gần 2 tỷ đồng. Do đã nộp tiền khắc phục hậu quả, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bị cáo đang bị bệnh, Mai Phan Lợi sau đó đã được Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội giảm án xuống 45 tháng, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật. Còn bị cáo Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững, thì bị Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt y án sơ thẩm 5 năm tù về tội trốn thuế với tổng số tiền hơn 1,38 tỷ đồng. Tất cả thông tin này đều được báo chí đăng tải rộng rãi, nội dung rõ ràng chứ không phải như những điều bịa đặt mà các thế lực chống đối rêu rao.

Những nỗ lực chủ động và tích cực của Việt Nam vì người lao động đã củng cố uy tín của đất nước trên trường quốc tế, tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và hướng đến một xã hội công bằng, nơi các lợi ích của quá trình hội nhập và phát triển được chia sẻ một cách công bằng cho người lao động, những người trực tiếp tạo ra của cải vật chất cho xã hội./.

Theo QĐND