Kỳ họp bất thường lần thứ tư đã kết thúc gần hai tháng nay, nhưng lợi dụng sự quan tâm đặc biệt của dư luận với sự kiện này, cùng nhiều hoạt động tiếp xúc cử tri để chuẩn bị cho phiên họp thường kỳ thứ 5 sắp tới của Quốc hội, các phần tử cơ hội, cực đoan vẫn “cố đấm ăn xôi”, phủ định trắng trợn những kết quả đạt được từ các kỳ họp trên.
“Nhân danh là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, nhưng thực chất những phiên họp bất thường của Quốc hội Việt Nam chỉ là màn kết trong vở kịch phân chia “miếng bánh quyền lực” của những người đứng đầu. Các kỳ họp chất chứa sự bất ổn như chính cái tên “bất thường” của nó”. Những kẻ cuồng ngôn như vậy chắc rằng chỉ đang ru ngủ chính mình với âm mưu hèn hạ là chia rẽ nhân dân, cử tri với Quốc hội, bởi chúng tự hiểu rằng, mục đích đạt được chẳng hề dễ!
Đồng hành cùng thăng trầm của lịch sử
Kỳ họp bất thường lần thứ tư đã kết thúc gần hai tháng nay, nhưng lợi dụng sự quan tâm đặc biệt của dư luận với sự kiện này, cùng nhiều hoạt động tiếp xúc cử tri để chuẩn bị cho phiên họp thường kỳ thứ 5 sắp tới của Quốc hội, các phần tử cơ hội, cực đoan vẫn “cố đấm ăn xôi”, phủ định trắng trợn những kết quả đạt được từ các kỳ họp trên. Chúng hậm hực loan tin: “Kỳ họp bất thường đã thành công khi thực hiện đúng mưu đồ cài cắm lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào trong các quy định của luật”; “lợi ích quốc gia, dân tộc chỉ là cái bình phong để phục vụ lợi ích cá nhân, sự thao túng quyền lực”. Chúng xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử rằng: “Dấu ấn lớn nhất trong hơn 77 năm qua của Quốc hội Việt Nam là 4 kỳ họp bất thường gây hoang mang, bức xúc trong dư luận”…
Đáng thương thay cho đòn vô vọng của những kẻ có mưu đồ đen tối!
Tất thảy người dân Việt Nam, từ những người tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, đến những công dân vừa đủ tuổi 18 cầm trên tay lá phiếu thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026), đều gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng vào cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, do chính nhân dân bầu ra.
Nhìn lại lịch sử, ngày 6-1-1946, chỉ 4 tháng sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn thể cử tri Việt Nam đã tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc dân đại hội – Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong điều kiện cách mạng nước ta đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”, phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức nguy hiểm và trắng trợn của kẻ thù. Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội, đại diện cho cả ba miền Bắc – Trung – Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, tôn giáo, đảng phái chính trị, cùng chung sức, đồng lòng gánh vác công việc nước nhà.
Thắng lợi vang dội của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Quốc hội Việt Nam được thành lập, khẳng định tính hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước. Đây vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết đặt ra đối với cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước khởi đầu vẻ vang của Nhà nước ta khi mới ra đời; mở ra thời kỳ phát triển mới, đất nước có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, một hệ thống chính quyền có đầy đủ danh nghĩa về pháp lý đại diện cho nhân dân Việt Nam giải quyết công việc đối nội, đối ngoại. Đồng thời, tạo tiền đề củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc và làm thất bại mọi âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực phản động, thù địch.
Sự ra đời của Quốc hội Việt Nam là mốc son trong lịch sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, thể hiện khí phách, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc ta. Đến nay, hơn 77 năm sau ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, Quốc hội Việt Nam với vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Sự phát triển, trưởng thành của Quốc hội Việt Nam luôn gắn liền với tiến trình cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thời kỳ đầu thành lập đến năm 1960, từ Quốc hội lập hiến chuyển sang thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của Quốc hội lập pháp. Quốc hội đã xem xét và thông qua bản Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 vào 16 đạo luật, 50 nghị quyết. Cùng với nhân dân trải qua nhiều khó khăn, gian khó để đoàn kết, thống nhất dân tộc, chống thù trong, giặc ngoài, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.
Thời kỳ 1960-1980, Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc động viên sức người, sức của để đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Dấu son lịch sử trong giai đoạn này là ngày 25-4-1976, cả nước tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI. Đây là thắng lợi có ý nghĩa quyết định đưa cách mạng Việt Nam chính thức bước sang một giai đoạn mới, hàn gắn vết thương chiến tranh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng cuộc sống mới, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI (tháng 12-1980), đã thông qua bản Hiến pháp năm 1980 để đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Giai đoạn 1980-1992, trong đó Quốc hội khóa VIII là Quốc hội của giai đoạn đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa VIII, đã thông qua bản Hiến pháp năm 1992 để thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đưa đất nước từng bước hội nhập, phát triển.
Thời kỳ từ năm 1992 đến nay, hoạt động theo Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã ban hành nhiều luật, bộ luật, nghị quyết để thể chế hóa đường lối của Đảng theo nghị quyết các kỳ đại hội Đảng; đồng thời, quyết định các vấn đề hệ trọng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đất nước đột phá, phát triển… Việc đổi mới cách thức thảo luận từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận” đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ, đóng góp ý kiến xây dựng và tăng cường niềm tin của cử tri, của nhân dân đối với Quốc hội.
Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Quốc hội luôn gắn bó với nhân dân, mang trong mình sức mạnh của nhân dân, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Mỗi bản Hiến pháp, đạo luật, nghị quyết, quyết định quan trọng của Quốc hội luôn gắn liền với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, là sự kết hợp nhuần nhuyễn ý Đảng – lòng dân. Mỗi thành quả của Quốc hội là kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là niềm tin, sự gửi gắm, đồng thuận, đồng tình, ủng hộ của nhân dân và toàn xã hội; là sự chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và cộng đồng quốc tế.
“Dù trong điều kiện chiến tranh hay hòa bình, thì Quốc hội Việt Nam vẫn luôn thực sự là tiêu biểu ý chí thống nhất của dân tộc ta, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi”.
Chủ tịch HỒ CHÍ MINH
Chọn người gánh việc nước, việc dân
Phủ nhận vai trò, mục tiêu hoạt động vì lợi ích quốc gia, dân tộc của Quốc hội, thông qua công tác nhân sự tại kỳ họp bất thường, các tổ chức phản động cáo buộc rằng: “Lợi ích quốc gia, dân tộc thực chất chỉ là lợi ích của nhóm người đứng đầu”; “việc phân chia quyền lực gấp gáp dưới vỏ bọc họp bất thường để giải quyết việc cấp bách, chẳng qua là để hiện thực hóa ý đồ cá nhân”. Chúng nuôi âm mưu gieo rắc sự hoài nghi trong nội bộ, dư luận, chia rẽ cán bộ, đảng viên, chính quyền với nhân dân, gây ảnh hưởng tới quá trình hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Không chỉ riêng kỳ họp bất thường của Quốc hội, mà lâu nay, công tác cán bộ của Đảng ta luôn là nội dung hàng đầu mà các thế lực phản động tập trung chống phá. Lợi dụng các quyết định về nhân sự cấp cao tại các kỳ họp Quốc hội bất thường, một mặt, chúng vẫn tái diễn luận điệu vu khống cho rằng, đây là kết quả của việc “đấu đá phe phái, tranh giành lợi ích cục bộ”. Mặt khác, những kẻ này lan truyền các thông tin suy diễn vô căn cứ, quy chụp, gán ghép sai sự thật về nhân sự được kỳ họp bất thường của Quốc hội phê chuẩn. Chúng ra sức nói xấu, bôi nhọ thông tin về lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trên cơ sở những căn cứ võ đoán, vô thưởng vô phạt theo kiểu “một cán bộ cấp cao cho biết”, “theo giới thạo tin”, “nguồn tin nội bộ”…
Cách đây hơn 77 năm, ở lần Tổng tuyển cử đầu tiên, trong Lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Ngày mai mồng 6-1-1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền làm chủ của mình (…) Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước”. Bác cũng không quên căn dặn: “Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vị lợi chung, quên lợi riêng”.
Trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng huấn thị: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”. Người khẳng định: “Dân là chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải làm quan cách mạng”.
Quán triệt tư tưởng của Người, trong mọi giai đoạn cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác cán bộ luôn được cả hệ thống chính trị đặc biệt coi trọng, chăm lo, bồi dưỡng và phát hiện hiền tài để chung vai gánh vác việc nước, việc dân. Công tác cán bộ nói chung, công tác nhân sự tại các kỳ họp Quốc hội bất thường nói riêng, cũng không nằm ngoài quan điểm, chủ trương đó. Tại các kỳ họp bất thường, công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội được tiến hành thận trọng, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao.
Chọn người có đức, có tài vào bộ máy lãnh đạo là để chung vai góp sức gánh vác việc nước, việc dân, cùng tập thể và nhân dân Việt Nam chèo lái con thuyền cách mạng của dân tộc vững tiến trên mọi nẻo đường dù có nhiều chông gai thử thách. Bất cứ khi nào, bất cứ một ai đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc, không làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người cán bộ hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đều phải ra khỏi hàng ngũ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, như thực tiễn đã chứng minh!
Luận điệu vu cáo “Quốc hội họp bất thường để phân chia miếng bánh quyền lực dưới vỏ bọc vì nước, vì dân” chỉ là sự tưởng tượng để an ủi sự thất bại của những kẻ hiềm khích có mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước, Quốc hội Việt Nam.
Trước những mưu mô, thủ đoạn thâm hiểm, mỗi người dân Việt Nam cần phải tỉnh táo, biết “gạn đục khơi trong”, cảnh giác với những thông tin xấu độc, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; có nhận thức đúng đắn về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước; dám nói lên tiếng nói khách quan phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị, phản động, nhất là trên mạng xã hội. Tăng cường trách nhiệm trong tham gia, góp ý, đề cử, giới thiệu lựa chọn cán bộ đáp ứng yêu cầu về năng lực, phẩm chất: “Có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần đưa những cán bộ, đảng viên tiêu biểu, vừa có tâm vừa có tầm giữ những chức vụ trong hệ thống chính trị để xây dựng, phát triển một nước Việt Nam hùng cường.
Hơn 77 năm xây dựng và trưởng thành cũng đồng thời là gần 15 nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội. Được xây dựng theo tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Quốc hội khóa I cho đến Quốc hội khóa XV, dù ở vào thời điểm, hoàn cảnh lịch sử nào, Quốc hội Việt Nam cũng có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước.
(Còn nữa)
Theo QĐND