Kết hợp pháp trị và đức trị trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Đức trị và pháp trị là hai đường lối cai trị của bậc quân vương, trong đó, đức trị được Khổng Tử xây dựng thành học thuyết chính trị, triển khai và thực thi trong chế độ phong kiến, để lại nhiều bài học lịch sử bổ ích.
Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, việc kết hợp, vận dụng hài hòa giữa đức trị và pháp trị sẽ phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, thực hành Điều lệ Đảng…
Từ những bài học lịch sử, thực tiễn…
Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, chúng ta cần quán triệt, học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần thượng tôn pháp luật, “dĩ dân vi thượng”. Bác Hồ rất coi trọng đạo đức, tình cảm nhưng rất nghiêm khắc với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái đạo đức. Người gọi đó là giặc nội xâm, cực kỳ nguy hiểm, tự giết chết chế độ. Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc xét xử nghiêm minh và y án tử hình đối với Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu về tội tham nhũng, ăn chơi sa đọa trong bối cảnh quân dân cả nước tập trung tất cả cho kháng chiến chống thực dân Pháp. Đại tá Trần Dụ Châu từng là cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao chức vụ Cục trưởng Cục Quân nhu. Khi cán bộ này phạm trọng tội, mặc dù rất đau đớn nhưng Người vẫn kiên quyết nghiêm trị, xử lý đúng pháp luật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm bà con nông dân tỉnh Bắc Kạn đang thu hoạch lúa mùa, năm 1950. Ảnh tư liệu: hochiminh.vn
Năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn y án tử hình đối với cán bộ cao cấp Trương Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp vì tội giết người, ăn chơi sa đọa. Những bản án nghiêm khắc ấy thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật của người đứng đầu Nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam. Thực hiện nghiêm pháp luật như vậy thực sự là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Bản án tử hình đối với hai đối tượng trên đã tăng sức mạnh răn đe đến đội ngũ cán bộ cao cấp trong Đảng, Nhà nước và Quân đội, thể hiện bản chất của pháp luật là công bằng, nghiêm minh: “Pháp luật không hùa theo người sang, sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong”. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, xây dựng đất nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, tình hình đất nước có những giai đoạn diễn biến hết sức phức tạp, nhưng với sự nghiêm minh của pháp luật đã tạo nên hiệu ứng, hiệu quả tốt trong lãnh đạo, quản lý và điều hành xã hội của Đảng, Nhà nước ta, quy tụ lòng dân về một mối.
Hiện nay, chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý xã hội bằng pháp luật, đã đem lại nhiều thành tựu nhất định. Đó là, mọi hoạt động xã hội đều phải tuân theo pháp luật, người dân được làm những việc mà pháp luật không cấm, cán bộ nhà nước làm việc theo pháp luật quy định. Trong quá trình hoạt động quản lý xã hội, đội ngũ cán bộ về cơ bản hoạt động theo đúng pháp luật. Đồng thời, do rèn luyện, tu dưỡng, đại đa số đội ngũ cán bộ, đảng viên đã hình thành, tu dưỡng phẩm chất đạo đức công bộc của dân. Tuân thủ theo pháp luật một cách bắt buộc nghiêm ngặt, dần dần thành thói quen tốt của cán bộ công chức, những thói quen ấy sẽ là cơ sở cho việc giáo dục, củng cố phẩm chất đạo đức như trung thành, tự giác, mẫn cán… Đồng thời, cán bộ tu dưỡng, rèn luyện đạo đức tốt sẽ bớt tham lam, tránh được tệ hối lộ, tham nhũng; bớt cửa quyền, hách dịch, tránh được độc tài, vi phạm dân chủ; bớt đố kỵ, ganh ghét sẽ tránh được mất đoàn kết, đấu đá tranh giành quyền lực, lợi ích… Xã hội luôn luôn vận động, phát triển làm cho nhu cầu đời sống con người cũng vận động, biến đổi theo. Trong bất cứ xã hội nào, quy định của pháp luật cũng không thể bao quát hết mọi lĩnh vực của đời sống. Cán bộ không tu dưỡng đạo đức, sẽ dẫn đến không tự giác chấp hành pháp luật, tìm cách lách luật để trục lợi.
Vì thế, dù xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhưng không thể thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt trong đội ngũ cán bộ. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang diễn ra quyết liệt và đạt được những kết quả nhất định. Một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái phẩm chất đạo đức nghiêm trọng, vì lợi ích cá nhân nên tìm mọi cách trục lợi, tham nhũng, nhận hối lộ… đã bị xử lý nghiêm minh.
Năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, hơn 24.160 đảng viên. Trong đó, thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng, 8.863 đảng viên do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Đặc biệt, có 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 308 tổ chức đảng, 11.005 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Đúng quy định pháp luật, phù hợp lương tâm, tình cảm
Với cách làm nghiêm túc, căn cứ vào quy định pháp luật, Điều lệ Đảng để tiến hành kỷ luật cán bộ vi phạm, đã làm cho người vi phạm bị xử lý tâm phục, khẩu phục, mang tính răn đe cao trong Đảng và hệ thống chính trị. Những tội danh như tham nhũng, hối lộ, suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên được tổ chức đảng kiểm điểm làm rõ sai phạm, được pháp luật xét xử công khai, luận tội đúng mức, hình phạt nghiêm khắc, đã tiếp tục củng cố lòng tin trong nhân dân về nhà nước pháp quyền công minh.
Nhà nước pháp quyền là nhà nước thượng tôn pháp luật, cán bộ từ Trung ương đến địa phương đều phải tuân theo pháp luật. Tính phổ biến của quy phạm pháp luật là cơ sở công bằng xã hội, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Điều này đã được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo: Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực; tránh bệnh sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, chống tình trạng tham nhũng tập thể, tham nhũng có tổ chức, lợi ích nhóm. Kỷ luật nghiêm minh với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai một cách bài bản, thuyết phục… Xử là phải xử nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với lương tâm, tình cảm chứ không phải cứ xử nặng mới là tốt. Điều này đã tạo ấn tượng sâu sắc không chỉ trong nhân dân mà ngay những người phạm tội cũng cảm thấy ăn năn, hối cải. Nhiều người đã phải khóc trước tòa vì sự ăn năn, hối lỗi.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã khẳng định: Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, kiên quyết, kiên trì đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Phòng, chống tham nhũng được thực hiện tốt sẽ giữ được lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, với đội ngũ cán bộ. Đội ngũ cán bộ trong sạch, bộ máy vận hành đồng bộ, trên dưới hành động thống nhất theo pháp luật sẽ tạo nên hành lang pháp lý cho xã hội và cá nhân tuân theo.
Việc kế thừa, vận dụng những bài học lịch sử từ truyền thống ông cha và học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết hài hòa mối quan hệ pháp trị và đức trị trong tình hình hiện nay là vô cùng quan trọng và cần thiết. Khi “đức trị” đạt đến sự tự giác, là nhân tố để xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh, thì tinh thần thượng tôn pháp luật, hiệu lực, hiệu quả pháp trị sẽ đạt mức tối đa. Tinh thần này cần được triển khai trong toàn Đảng và hệ thống chính trị chứ không chỉ có sự cố gắng, kiên trì, kiên quyết từ Trung ương.
(còn nữa)
TS PHẠM ĐÀO THỊNH
Theo QĐND