Đẩy mạnh công tác hỗ trợ thực hiện triển khai các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên Quảng Ninh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2024.

Nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo của tuổi trẻ Quảng Ninh trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Ninh rất chú trọng khuyến khích, phát huy sự sáng tạo, năng động, mạnh dạn và tự tin của thanh niên trong việc xây dựng và triển khai các ý tưởng khởi nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

  1. Dự án “Lò đốt vàng mã không khói bụi”

Ý tưởng dự án Lò đốt vàng mã không khói bụi của học sinh Nguyễn Văn Ngọc Đức (THPT Bạch Đằng, TX Quảng Yên) được thực hiện với chức năng triệt để xử lý khói, bụi tạo ra từ việc đốt vàng mã, dành cho các hộ gia đình, các cơ sở thờ tự. 

Ảnh 1. Dự án “Lò đốt vàng mã không khói bụi”

Thiết kế lò đốt giúp xử lý triệt để khói bụi, giảm phát thải khí độc vào không khí, bảo vệ chất lượng môi trường sống và sức khỏe cộng đồng. Đây là một giải pháp xanh, phù hợp với nỗ lực giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Dự án được triển khai áp dụng có hiệu quả thiết thực trong phòng chống ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí.

Dự án đã đạt giải Ba tại Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Ninh lần thứ VI năm 2023” và được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn lựa chọn tham gia Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024” do Trung ương Đoàn tổ chức. Hiện dự án đã tiến vào Vòng Chung kết Cuộc thi.

  1. Dự án “Tạo chế phẩm vi sinh IMO trong nông nghiệp”

Dự án Tạo chế phẩm vi sinh IMO trong nông nghiệp thực hiện bởi nhóm tác giả học sinh sinh viên TP Hạ Long (trưởng nhóm Bế Gia Huy) đã tận dụng rác thải hữu cơ, như: thực phẩm thừa và phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất chế phẩm vi sinh IMO. Loại chế phẩm này giúp cải thiện đất, giảm sử dụng phân hóa học, và xử lý rác thải hữu cơ hiệu quả.

Ảnh 2. Dự án “Tạo chế phẩm vi sinh IMO trong nông nghiệp”

Việc tận dụng rác thải hữu cơ thay vì để chúng phân hủy tự nhiên (thải ra khí metan) góp phần giảm khí nhà kính. Đồng thời, chế phẩm vi sinh cải thiện độ màu mỡ của đất mà không gây thoái hóa, tạo nền tảng cho nền nông nghiệp bền vững và ít tác động xấu đến môi trường. Dự án được áp dụng triển khai sẽ góp phần thực hiện hiệu quả quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

  1. Dự án “Thiết bị cảnh báo cháy rừng thông minh”

Dự án “Thiết bị cảnh báo cháy rừng thông minh” của nhóm tác giả đến từ THPT Lê Quý Đôn, TP Cẩm Phả đã phát triển thiết bị cảnh báo cháy rừng sớm dựa trên công nghệ cảm biến. 

Ảnh 3. Dự án “Thiết bị cảnh báo cháy rừng thông minh”

Bảo vệ rừng là bảo vệ “lá phổi xanh” của Trái Đất, giảm thiểu lượng carbon dioxide trong khí quyển. Với nguy cơ cháy rừng gia tăng do nhiệt độ toàn cầu tăng cao, thiết bị này đóng vai trò quan trọng trong giảm thiệt hại kinh tế, ngăn chặn các hệ lụy như mất đa dạng sinh học và suy giảm chất lượng không khí. Dự án này được áp dụng triển khai sẽ góp phần cụ thể hoá về chỉ tiêu tăng tỷ lệ che phủ rừng theo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, là giải pháp hữu hiệu phòng chống cháy rừng trên tại địa phương đặc thù của tỉnh Quảng Ninh.

  1. Dự án “Phát triển kinh tế tuần hoàn từ rác thải nhựa”

Dự án của bạn Vũ Văn Đức (TP Hạ Long) tập trung vào việc tái chế rác thải nhựa thành các sản phẩm có giá trị sử dụng mới. 

Ảnh 4. Dự án “Phát triển kinh tế tuần hoàn từ rác thải nhựa”

Với lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng, mô hình này giúp giảm thiểu ô nhiễm nhựa và khai thác tối đa vòng đời của vật liệu. Dự án được triển khai áp dụng góp phần phòng chống, tiến tới triệt tiêu các sản phẩm nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường tính hiệu quả, hiệu năng sử dụng của sản phẩm tái chế từ nhựa để phục vụ đời sống, sinh hoạt, góp phần phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn từ rác.

  1. Dự án “Tạo chế phẩm thức ăn từ lá mùi phòng bệnh cho tôm thẻ chân trắng”

Ảnh 5. Dự án “Tạo chế phẩm thức ăn từ lá mui phòng bệnh cho tôm thẻ chân trắng”

Nhóm tác giả từ TX Quảng Yên tận dụng lá mui – một nguồn thảo dược sẵn có của thiên nhiên để tạo chế phẩm thức ăn giúp kháng khuẩn và phòng bệnh phân trắng ở tôm nuôi.

Việc hạn chế sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản giúp ngăn chặn ô nhiễm nguồn nước do tồn dư hóa chất. Sử dụng chế phẩm tự nhiên không chỉ thân thiện với môi trường mà còn đảm bảo sự an toàn sinh thái, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản. Dự án được triển khai sẽ góp phần tăng hiệu quả phát triển kinh tế nuôi trồng thuỷ sản, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn TX Quảng Yên, từ đó nhân rộng trên các địa bàn nuôi tôm thẻ chân trắng ở các địa phương trong toàn tỉnh thời gian tới. 

Tỉnh đoàn Quảng Ninh chú trọng công tác hỗ trợ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những năm qua, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác hỗ trợ các ý tưởng dự án khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời tăng cường ký kết các chương trình phối hợp để tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho thanh niên, nổi bật nhất là các chương trình phối hợp hỗ trợ các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp thanh niên của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ký kết với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, CLB Đầu tư & Khởi nghiệp tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các buổi ra quân bảo vệ môi trường; các cuộc thi, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, các khóa học ngắn hạn nhằm nâng cao kỹ năng quản lý, nghiên cứu, phát triển sản phẩm cho các tác giả, nhóm tác giả; hỗ trợ phát triển, hoàn thiện từ quy trình sản xuất ra một thiết bị cho đến thử nghiệm thực tế trên biển đảm bảo vận hành hiệu quả,…

Ảnh 6. Ban Giám khảo Vòng Sơ loại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Ninh lần thứ VII, năm 2024 đánh giá, nhận xét, góp ý cho các dự án

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn tạo điều kiện để các dự án tham gia các cuộc thi, tiếp cận quỹ hỗ trợ khởi nghiệp; hỗ trợ vận động, hỗ trợ nguồn lực cho các dự án. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá rộng rãi các dự án trên các nền tảng truyền thông của các cấp bộ Đoàn, Hội để đông đảo đoàn viên, thanh niên và nhân dân hiểu về các dự án; tạo hiệu ứng lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ý nghĩa bền vững, kết quả thực tế từ những dự án thanh niên khởi nghiệp

Bước đầu, các ý tưởng, dự án của thanh niên đã thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo, đổi mới trong khởi nghiệp, lập nghiệp, đồng thời góp phần tích cực vào thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân chung tay bảo vệ môi trường” do UBND tỉnh phát động mà lực lượng nòng cốt là tổ chức Đoàn thanh niên các cấp. Đây là cơ sở, tiền đề thúc đẩy thực hiện tốt Luật bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.