Giới trẻ lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, những giá trị văn hóa tưởng như dần mai một trong giới trẻ, nhưng thực tế họ lại chính là lực lượng quan trọng gìn giữ, phát huy những giá trị này trong đời sống hiện đại bằng những cách riêng của mình.

Vun đắp tình yêu đặc biệt

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành khảo cổ, Khoa Lịch sử, Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thị Mỹ Linh (SN 1998) quyết tâm trở về quê hương, gắn bó với công việc tại BQL Khu Di tích nhà Trần TX Đông Triều. Yêu thích tìm hiểu lịch sử, vì vậy đây là cơ hội để Mỹ Linh thỏa niềm đam mê, đồng thời có thể giới thiệu, lan tỏa đến mọi người, nhất là các bạn trẻ, thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu của quê hương Đệ tứ Chiến khu Anh hùng.

Đoàn tham quan các hiện vật lưu giữ tại chùa Bắc Mã, TX Đông Triều.
Nguyễn Thị Mỹ Linh giới thiệu cho đoàn khách tham quan các hiện vật lưu giữ tại chùa Bắc Mã (TX Đông Triều).

Đảm nhận nhiều nhiệm vụ tại Ban: Tham mưu công tác quản lý bảo tồn cổ vật, hiện vật; xây dựng nội dung các tờ rơi, tờ gấp giới thiệu, các sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn của Khu Di tích; đăng tải bài viết trên trang web nhatranodongtrieu.vn; hướng dẫn viên cho các đoàn khách…, Mỹ Linh luôn cố gắng trau dồi kiến thức, tìm cách truyền tải sinh động, hấp dẫn các tư liệu, câu chuyện, hiện vật lịch sử đến với nhiều đối tượng du khách.

Mỹ Linh chia sẻ: “Tôi tự hào là người con của mảnh đất Đông Triều, nơi quê gốc của nhà Trần – một trong những triều đại phong kiến hùng mạnh nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Bởi vậy tôi luôn mong muốn thông qua kiến thức, công việc của mình có thể góp một phần công sức nhỏ bé để tìm tòi, giữ gìn phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của Khu Di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần lan tỏa rộng khắp”.

Trương Mạnh Hùng say mê chụp ảnh, quay video về hình ảnh cuộc sống, nét đẹp văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu.

Với niềm đam mê nhiếp ảnh và sản xuất nội dung trên nền tảng số cùng tình yêu quê hương, chàng trai trẻ dân tộc Tày Trương Mạnh Hùng (SN 1992, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu) đã truyền tải những hình ảnh về cuộc sống thường ngày, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ ở Bình Liêu lên các trang mạng xã hội của mình. Các trang do anh xây dựng: Fanpage Bình Liêu Travel hiện có 40.000 lượt thích, trên 50.000 lượt theo dõi; Youtube Hùng Bình Liêu có 9.420 người đăng ký, khoảng 2 triệu lượt xem, có video đạt mức trên 1,7 triệu lượt xem; Tiktok Hùng Bình Liêu có 18.200 lượt theo dõi.

Mạnh Hùng chia sẻ: “Sinh ra, lớn lên trong không gian văn hóa đậm bản sắc dân tộc với những lễ hội truyền thống Đình Lục Nà, Hội Soóng cọ, Hội Kiêng gió, giữa những làn điệu Then, Soóng cọ ngọt ngào, đằm thắm, vì thế tình yêu, niềm đam mê văn hóa dân tộc trong sẵn có trong tôi và được đắp bồi theo năm tháng. Từ đó thôi thúc khiến tôi thấy mình cần phải làm gì đó để tiếp tục lưu giữ vốn văn hóa ngàn đời này”.

Nghệ nhân Hoàng Thiêm Thành (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu) cùng cháu gái lựa chọn bầu làm đàn tính. Ảnh: Trương Mạnh Hùng 

Với chiếc máy ảnh, điện thoại thông minh là bạn đồng hành, anh rong ruổi qua từng bản làng ghi lại những hình ảnh đẹp từ cuộc sống đời thường của bà con, từ phong tục sinh hoạt, lao động, đến lễ hội, đám cưới truyền thống, trang phục, ẩm thực độc đáo. Vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Bình Liêu ngày càng đến gần hơn với bạn bè 4 phương từ những thước phim gần gũi, bình dị và đầy tâm huyết như thế của Trương Mạnh Hùng.

Mỹ Linh hay Mạnh Hùng, dù khác nhau về phương thức thực hiện, nhưng có một điểm chung là xuất phát từ tình yêu lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc, muốn kết nối, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tìm hiểu văn hoá, thể hiện niềm tự hào với văn hoá truyền thống theo cách riêng của mình.

Tự hào trên hành trình tìm về nguồn cội

Đam mê các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng là cách những người trẻ gìn giữ, thể hiện niềm tự hào và lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc. Những lớp học thêu trang phục truyền thống của dân tộc Dao, học hát Then – đàn Tính của dân tộc Tày, hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ tại Bình Liêu, Hạ Long, Tiên Yên, Đầm Hà… vẫn được truyền dạy thường xuyên trong các nhà trường, tại nhà văn hóa thôn, xã mỗi dịp hè, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi tham gia.

Dạy thêu trang phục truyền thống người Dao Thanh Phán cho thanh thiếu nhi tại xã Đồng Lâm.
Dạy thêu trang phục truyền thống người Dao Thanh Phán cho thanh thiếu nhi tại xã Đồng Lâm (TP Hạ Long).

Mỗi dịp Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng cọ, Ngày hội Kiêng gió (huyện Bình Liêu); Ngày hội VHTT dân tộc Sán Dìu, Lễ hội Mùa vàng miền Soóng cọ Đại Dực (huyện Tiên Yên); Chợ phiên Hà Lâu, Lễ hội Hoa sim biên giới (TP Móng Cái)… dễ dàng nhận thấy ĐVTN trong những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, là lực lượng đông đảo tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian, các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian.

Xác định giữ gìn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch sẽ góp phần phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương, tuổi trẻ toàn tỉnh đã tiên phong, sáng tạo ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng và gắn mã QR Code tại 282/370 địa chỉ đỏ, điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh, nhằm cung cấp thông tin, thuyết minh tự động trong quảng bá văn hóa, du lịch cho người dân và du khách. Trong 3 năm qua, các cấp bộ đoàn tổ chức trên 1.400 chương trình “Hành trình về nguồn”, đưa thanh thiếu nhi đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào dân tộc.

Đoàn Thanh niên Móng Cái phối hợp với các đơn vị gắn mã QR code tại Cột mốc 1368.
Đoàn Thanh niên Móng Cái phối hợp với các đơn vị gắn mã QR Code tại Cột mốc 1368.

Các mô hình biểu diễn văn nghệ cùng các trò chơi dân gian tại Phố đi bộ, Hội trại bản sắc dân tộc, Ngày hội văn hóa dân tộc Tày của Huyện Đoàn Tiên Yên; CLB Thuyết minh viên của Thành Đoàn Móng Cái; CLB đoàn viên thanh niên gìn giữ văn hóa truyền thống (Bình Liêu); Thanh niên khởi nghiệp từ phát triển nghề truyền thống, sản phẩm địa phương, phát triển du lịch cộng đồng gắn với định hướng gìn giữ, phát huy văn hóa bản địa như: Khu du lịch Kỳ Thượng Am Váp Farm (Hạ Long), Khu du lịch Homestay Pạc Sủi (Tiên Yên)… đã góp phần gìn giữ, quảng bá nét đẹp văn hoá, đặc trưng vùng đất, con người Quảng Ninh.

Quá trình hội nhập ngày càng cho thấy rõ hơn sự cần thiết của tri thức và nhận thức về bản sắc văn hóa dân tộc trong mỗi cá nhân. Điều đáng mừng là rất nhiều người trẻ đã ý thức được việc trang bị cho bản thân sự am hiểu về văn hóa dân tộc và giữ gìn những điều vô giá ấy bằng cách làm sáng tạo của mình.

Baoquangninh