Những năm qua, Việt Nam luôn nhất quán chính sách thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; coi con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, với động cơ thiếu trong sáng, vẫn có một số tổ chức quốc tế cố tình đưa ra những báo cáo phiến diện nhằm xuyên tạc tình hình, phủ nhận các thành tựu trong bảo vệ và thực thi quyền con người ở Việt Nam.
Đánh tráo khái niệm, xuyên tạc thực tế
Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố Báo cáo nhân quyền năm 2023, trong đó tiếp tục đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam khi cho rằng “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, “chính quyền Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền”… Để minh chứng cho nhận định phiến diện đó, cũng giống những năm trước, báo cáo nhấn mạnh rằng Việt Nam đã bắt, giam giữ những người vì hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội… Họ thống kê, tính đến ngày 31-10-2023, Việt Nam đã bắt giữ 25 cá nhân và kết án 23 người đang thực hiện các quyền con người được quốc tế công nhận như quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp ôn hòa và lập hội. Điều đáng nói là những “tù nhân chính trị”, “nhà hoạt động chính trị”, “nhà bảo vệ nhân quyền” được liệt kê trong báo cáo, như Bùi Tuấn Lâm, Ngụy Thị Khanh, Lê Anh Hùng, Phan Tất Thành, Châu Văn Khảm… đều là những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, phạm các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự nên bị bắt giữ, điều tra; một số đối tượng đưa ra xét xử và tuyên phạt với những bản án hoàn toàn đúng người, đúng tội.
Ở đây, khái niệm “tù nhân chính trị” đã bị đánh tráo nhằm đánh lừa dư luận, hòng bảo vệ cho những đối tượng lợi dụng dân chủ, mượn danh nhân quyền để vi phạm pháp luật, gây mất ổn định xã hội. Bởi lẽ, lâu nay, khái niệm “tù nhân chính trị” thường được dùng để chỉ những chiến sĩ cách mạng dũng cảm đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân nhưng phải chịu cảnh tù đày do bị thực dân, đế quốc bắt giam. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, nhiều tù nhân chính trị đã trở thành biểu tượng cho tinh thần anh dũng, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc. Do đó, những đối tượng được nêu tên trong báo cáo nhân quyền nêu trên hoàn toàn không xứng đáng và không thể là “tù nhân chính trị” theo đúng nghĩa. Thực tế ở Việt Nam hiện nay không có ai là “tù nhân chính trị” như mô tả của Báo cáo nhân quyền năm 2023. Vì thế, mục đích việc đánh tráo khái niệm chính là nhằm bóp méo tình hình nhân quyền ở Việt Nam; tôn vinh, cổ xúy cho những đối tượng lợi dụng dân chủ, nhân quyền để vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, Báo cáo nhân quyền năm 2023 còn xuyên tạc thực tế khi đưa ra đánh giá “Việt Nam hạn chế nghiêm trọng tự do internet” với minh chứng là cơ quan chức năng xử lý các trang Facebook cá nhân của một vài đối tượng hoạt động chống phá Nhà nước trên mạng xã hội.
Song, điều nực cười là báo cáo trên đã phớt lờ sự thật, rằng internet ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Internet có mặt ở mọi nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến đầu năm 2023, nước ta có 77,93 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% dân số; có 70 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 71% dân số. Tổng số kết nối di động đang hoạt động là 161,6 triệu (164,0% tổng dân số). Nhờ đó, sau gần 30 năm kết nối internet, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên thế giới, đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Trung bình người Việt Nam dành gần 7 giờ/ngày để sử dụng internet. Tỷ lệ người dùng sử dụng internet hằng ngày lên tới 94%.
Rõ ràng, internet ở Việt Nam đã “bùng nổ” mạnh mẽ, hoàn toàn không có việc “Việt Nam hạn chế nghiêm trọng tự do internet” như nội dung nêu trong Báo cáo nhân quyền năm 2023. Không thể đồng nhất việc xử lý các đối tượng lợi dụng internet, lợi dụng mạng xã hội để tán phát những thông tin sai trái, chống phá Nhà nước, xâm hại lợi ích của tổ chức, cá nhân, với cái gọi là “hạn chế nghiêm trọng tự do internet”. Bởi việc xử lý các đối tượng dùng internet vi phạm pháp luật là biện pháp đã và đang được tất cả quốc gia áp dụng nhằm lành mạnh hóa môi trường internet, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng xã hội.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về Báo cáo nhân quyền năm 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có một số nội dung về Việt Nam vừa được công bố hôm 22-4 vừa qua, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nêu rõ: “Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 22-4-2024 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế ở Việt Nam”.
Không thể phủ nhận nỗ lực bảo đảm quyền con người ở Việt Nam
Thực tế, các quyền con người cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến pháp của Việt Nam; được bảo vệ, bảo đảm bởi hệ thống văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai hiệu quả trên thực tiễn. Theo đó, nhiều năm gần đây, Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn nhằm bảo đảm quyền con người, nhất là hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người theo các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó Việt Nam là thành viên. Từ năm 2019 đến nay, Quốc hội nước ta đã thông qua 44 luật, trong đó nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Việt Nam cũng đã và đang rà soát để sửa đổi, bổ sung một số luật phù hợp với các cam kết quốc tế; đồng thời, rà soát, gia nhập các công ước quốc tế về quyền con người cũng như triển khai các điều ước một cách nghiêm túc. Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người, 25 công ước quốc tế về quyền lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); đàm phán và chính thức tham gia Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM).
Mặt khác, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người”. Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã luôn luôn nhất quán chính sách “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền, quyền và nghĩa vụ của công dân”. Mọi quyết sách đều xuất phát từ con người; mọi thành quả phát triển đều hướng vào bảo đảm tốt nhất quyền con người. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, GDP bình quân ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%/năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, gắn chặt với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 93,35% vào năm 2023; 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng…
Đặc biệt, năm 2023, kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng trên 5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 3%. Hằng năm, Việt Nam dành trung bình khoảng 3% GDP cho bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ trong vòng hơn một thập kỷ gần đây, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã tăng gần 50%, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tăng cao nhất thế giới.
Những con số khái lược nêu trên đã chứng minh rõ quyết tâm và nỗ lực bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Những thành tựu không thể phủ nhận đó đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình cho sự ghi nhận ấy là việc ngày 11-10-2022, Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 (lần đầu là nhiệm kỳ 2014-2016). Đây là sự công nhận vị thế của Việt Nam, thể hiện sự tín nhiệm, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người.
Đến đây, chúng ta hoàn toàn có thể thấy rõ cái gọi là “Việt Nam vi phạm nhân quyền”, “chính quyền Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền”… được đề cập trong Báo cáo nhân quyền năm 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ là những nhận định thiếu khách quan, không chính xác về vấn đề quyền con người ở Việt Nam.
Theo QĐND