Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ các ban, ngành trong tỉnh và liên tục có những sáng kiến đổi mới, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận thêm các thành tựu nổi bật, với nhiều chỉ số đứng đầu toàn quốc.
Theo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022 các tỉnh, thành phố, tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia của tỉnh Quảng Ninh thuộc top đầu cả nước, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình là một trong những địa phương đứng đầu cả nước, tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cao nhất cả nước…
Quảng Ninh có điểm số DTI đạt 0,7024 (tăng 0,2052 điểm so với năm 2021); vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2022 ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 4 bậc so với năm 2021. Kết quả cụ thể của 3 trụ cột là: Chính quyền số đứng vị trí thức 4, xã hội số đứng vị trí thứ 2 và kinh tế số đứng vị trí thứ 9.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, để Quảng Ninh có những chuyển biến mạnh mẽ trong xếp hạng mức độ chuyển đổi số, những năm qua toàn bộ hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã nỗ lực thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện theo Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 59/KH-UBND của UBND tỉnh. Nhiệm vụ này được thực hiện với quyết tâm cao, có lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng, sản phẩm cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, kiểm điểm thường xuyên, đôn đốc kịp thời và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ chuyển đổi số của Chính phủ.
Đáp ứng kỳ vọng từ Trung ương, tiến tới trở thành địa phương mô hình mẫu về chuyển đổi số và xây dựng Chính quyền điện tử của cả nước, Quảng Ninh đặt mục tiêu duy trì và cải thiện thứ hạng DTI trong năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh năm 2023, để cụ thể hóa và chi tiết các mục tiêu, nhiệm vụ cần hoàn thành trong năm 2023; trong đó:
Kế hoạch đã đề ra 4 nhóm mục tiêu, cụ thể như sau: Phát triển dữ liệu số (7 mục tiêu); Phát triển chính quyền số (15 mục tiêu); Phát triển kinh tế số (8 mục tiêu); Phát triển xã hội số (14 mục tiêu). Các mục tiêu đưa ra đã bao quát toàn diện các nội dung về chuyển đổi số năm 2023 của tỉnh Quảng Ninh.
Kế hoạch đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Nhận thức số (8 nhiệm vụ); Thể chế số (8 nhiệm vụ); Phát triển hạ tầng số (9 nhiệm vụ); Dữ liệu số (7 nhiệm vụ); Nền tảng số (12 nhiệm vụ); Nhân lực số (7 nhiệm vụ); An toàn thông tin mạng (8 nhiệm vụ); Chính quyền số (11 nhiệm vụ); Phát triển kinh tế số (14 nhiệm vụ); Phát triển xã hội số (8 nhiệm vụ).
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã ghi nhận thêm những thành tựu nổi bật như: Tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia thuộc top đầu cả nước, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình là một trong những địa phương đứng đầu cả nước, tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cao nhất cả nước, hạ tầng số được thúc đẩy mạnh mẽ: vùng phủ sóng di động rộng khắp đến từng thôn, bản vùng sâu vùng đồng bào DTTS, biên giới hải đảo; 85% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng, 86% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh…
Để trở thành địa phương mô hình mẫu về chuyển đổi số và xây dựng Chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành danh mục và xây dựng các nền tảng dùng chung của quốc gia để làm căn cứ cho các địa phương triển khai, thực hiện.
Theo đề xuất, Bộ Nội vụ sớm trình Chính phủ ban hành chế độ khuyến khích, thu hút cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ các địa phương đào tạo nguồn nhân lực về chuyển đổi số, đặc biệt là đào tạo các chuyên gia về an toàn thông tin, phân tích xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, quản trị hệ thống, quản trị dữ liệu…