Bước vào năm 2023, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của nhiệm kỳ, Quảng Ninh xác định việc đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện. Bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các sở, ngành, đơn vị chức năng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, qua đó đã thu về kết quả khả quan trên hành trình chuyển đổi số.
Ngày 20/2/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh năm 2023, trong đó đặt ra 35 chỉ tiêu và 52 nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên triển khai thực hiện; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị chủ trì, phối hợp triển khai và định rõ thời gian hoàn thành. Đây được coi là căn cứ quan trọng để thực hiện các nội dung chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh. Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, tích cực, 6 tháng đầu năm đã có 8/35 chỉ tiêu và 5/52 nhiệm vụ được hoàn thành, trong đó có nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Điển hình như ở 9 mục tiêu/chỉ tiêu ở trục trọng tâm Chính quyền số, đến nay đã có 4 mục tiêu/chỉ tiêu hoàn thành đạt và vượt, gồm: 100% các TTHC ban hành mới đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được tỉnh cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ TTHC đã được số hóa ngay từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả cho người dân; 100% nhân lực công nghệ số nòng cốt trong bộ máy nhà nước được đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng; 93,4% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến (mục tiêu là 80%)…
Hay đối với 7 mục tiêu/chỉ tiêu ở trục Kinh tế số, đã có 3 mục tiêu/chỉ tiêu hoàn thành yêu cầu: 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông sử dụng hợp đồng điện tử; 99,2% doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh đã thực hiện nộp thuế điện tử (mục tiêu trên 99%); 34,5% hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện nộp thuế điện tử (mục tiêu 30%).
Đặc biệt, ở 13 mục tiêu/chỉ tiêu ở trục Xã hội số, thuộc các ngành, lĩnh vực trọng điểm có tác động trực tiếp đến đời sống xã hội và cuộc sống của người dân, đã có 7 mục tiêu/chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt yêu cầu đặt ra trong năm 2023.
Cụ thể, như 100% khu dân cư tập trung đã có kết nối internet băng rộng cố định; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân đã đạt 95% (mục tiêu 92%); 89,13% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng (mục tiêu 88%); 100% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác (mục tiêu 95%); 100% cơ sở y tế trong tỉnh thực hiện chuyển đổi số (mục tiêu 95%); 5 đơn vị (đạt tỷ lệ 10% số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh) triển khai bệnh án điện tử theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TTBYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định về Hồ sơ bệnh án điện tử; 100% các trường từ tiểu học đến THPT trên địa bàn tỉnh triển khai học bạ điện tử…
Còn đối với các nhiệm vụ cụ thể trong từng nội dung công việc của tiến trình chuyển đổi số, qua 6 tháng đầu năm nhiều nhiệm vụ đã được các sở, ngành chức năng chủ trì và phối hợp triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Đến thời điểm hiện tại, Sở TT&TT – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số cấp tỉnh đã hoàn thành việc thiết lập và đưa vào vận hành trang chuyên đề về Chuyển đổi số của tỉnh Quảng Ninh trên Cổng thông tin điện tử tỉnh tại địa chỉ: https://quangninh.gov.vn/chuyen-de/chuyendoiso/Trang/default.aspx”. Trang chuyên đề đã và đang thực hiện nhiệm vụ tập hợp các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành và của tỉnh về chuyển đổi số; tuyên truyền, phổ biến câu chuyện thành công, cách làm sáng tạo, mô hình điển hình về chuyển đổi số; những thành tựu, hiệu quả về chuyển đổi số trong tỉnh; cung cấp các thông tin để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người dân…
Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh tiếp tục duy trì triển khai tốt nhiệm vụ rà soát, chuẩn hóa quy trình giải quyết các TTHC; cung ứng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với các TTHC ban hành mới đủ điều kiện; số hóa và ký số hồ sơ ngay từ khâu tiếp nhận, trả kết quả ký số cho người dân, doanh nghiệp…
Ngân hàng nhà nước chi nhánh Quảng Ninh và các đơn vị ngành ngân hàng cùng các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ Mobile Money, thanh toán trực tuyến cũng đã phối hợp tích cực với các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai việc chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt ở 100% các dịch vụ thiết yếu xã hội (y tế, giáo dục, điện, nước, viễn thông…); nâng cao số lượng cài đặt và sử dụng Mobile Money đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa bằng việc mở các điểm thanh toán không dùng tiền mặt đến tất cả các thôn, bản…
Cùng với đó, để có các giải pháp cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, Sở KH&ĐT cũng đã hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 26/4/2023 Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh về chuyển đổi số năm 2023…
Để nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện tiếp tục đạt được những kết quả khả quan, trong thời gian còn lại của năm 2023, các sở, ngành chức năng của tỉnh đang tiếp tục tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ chưa đạt hoặc đạt tỷ lệ thấp, trong đó đặc biệt tập trung vào thực hiện các nội dung liên quan đến dữ liệu số – chủ đề của công tác chuyển đổi số năm 2023.
Trước mắt, tỉnh sẽ ưu tiên tập trung xây dựng, tạo lập các cơ sở dữ liệu số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các sở, ban, ngành, địa phương; tiên phong tổ chức triển khai, chỉ đạo triển khai nền tảng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn TP Hạ Long; đưa vào sử dụng rộng rãi Bộ chỉ số đo lường chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh (QN-DTI) phiên bản 1.0 và xây dựng phần mềm giám sát đánh giá, trực tuyến theo thời gian thực hiện về mức độ chuyển đổi số cấp sở, ngành, địa phương năm 2023. Đồng thời tích cực triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Kế hoạch số 37/KH-UBND…