– Áp dụng rộng rãi hơn các nền tảng mã thấp, tăng cường di chuyển lên đám mây, tận dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML), tăng cường tự động hóa quy trình và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ chuỗi khối,… là những xu hướng chuyển đổi số điển hình trong năm nay.
Nhằm duy trì sự linh hoạt và đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, các tổ chức, doanh nghiệp phải liên tục theo dõi các xu hướng chuyển đổi số mới và cố gắng triển khai các công nghệ tiên tiến giúp họ vận hành doanh nghiệp hiệu quả hơn mỗi ngày.
Chuyển đổi số là một hành trình đầy khó khăn và thách thức nhưng nếu các tổ chức, doanh nghiệp có chiến lược rõ ràng thì họ có thể hưởng lợi bằng cách hợp lý hóa các hoạt động nội bộ và tự động hóa các nhiệm vụ sử dụng nhiều lao động. Chuyển đổi số không chỉ là thay đổi cách chúng ta kinh doanh mà còn là thay đổi cách chúng ta sống. Chuyển đổi số bao gồm bốn lĩnh vực chính: dữ liệu, công nghệ, con người và quy trình.
Nắm bắt các xu hướng chuyển đổi số sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp theo dõi những thay đổi mới nhất về công nghệ và phương thức kinh doanh bao gồm cả chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI). Điều này cho phép các tổ chức, doanh nghiệp giữ cho hệ thống của họ được cập nhật và nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, chúng có thể giúp các tổ chức, doanh nghiệp xác định các cơ hội mới để cải thiện quy trình kinh doanh.
Chuyển đổi số ngày càng trở nên quan trọng trong cả khu vực tư nhân và công cộng vì những lợi ích to lớn của nó. Khi các tổ chức, doanh nghiệp trở nên toàn cầu hóa hơn và kết nối với nhau nhiều hơn, họ cần tìm cách áp dụng công nghệ kỹ thuật số một cách hiệu quả hơn.
Công nghệ đang thúc đẩy sự thay đổi trong mọi ngành và lĩnh vực. Trong năm 2023, các tổ chức, doanh nghiệp phải nắm bắt chuyển đổi số để luôn dẫn đầu và duy trì tính cạnh tranh. Trong năm 2023, chúng ta sẽ chứng kiến một loạt xu hướng chuyển đổi số mới và đang phát triển được thiết lập để định hình cách các tổ chức tiếp cận công nghệ và đổi mới.
Theo số liệu thống kê của công ty chuyên thu thập và cung cấp các dữ liệu thống kê về người tiêu dùng Statista (Đức), năm 2022, chi tiêu cho chuyển đổi số dự kiến đạt 1,6 nghìn tỷ USD. Đến năm 2026, chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu được dự báo sẽ đạt 3,4 nghìn tỷ USD.
Việc nắm bắt các xu hướng chuyển đổi số là một cách tiếp cận để đảm bảo rằng các tổ chức, doanh nghiệp đang đi đúng hướng, qua đó giúp cho quá trình chuyển đổi số diễn ra thành công. Sau đây là 9 xu hướng chuyển đổi số hàng đầu trong năm 2023:
1. Áp dụng rộng rãi hơn các nền tảng mã thấp
Nền tảng mã thấp (Low-code) là một phương pháp phát triển phần mềm yêu cầu ít hoặc không cần viết mã (code) để xây dựng các ứng dụng và quy trình. Thay vì phải sử dụng ngôn ngữ lập trình phức tạp thì mô hình Low-code cho phép người dùng có thể sử dụng các giao diện trực quan với các logic ở mức bình thường để phát triển ứng dụng.
Hay nói cách khác, nền tảng Low-code là một cách thức phát triển ứng dụng trực quan cho phép các nhà phát triển từ chuyên nghiệp đến không chuyên có thể cộng tác và nhanh chóng xây dựng, triển khai các ứng dụng. Nó cung cấp giao diện người dùng đồ họa và các công cụ kéo và thả cho phép các nhà phân tích kinh doanh và những người dùng phi kỹ thuật khác thiết kế và tạo các giải pháp tùy chỉnh mà không cần viết mã.
Việc sử dụng các nền tảng phát triển mã thấp đã tăng lên trong những năm gần đây do những lợi ích mà chúng mang lại về thời gian, chi phí, khả năng mở rộng và giảm thiểu rủi ro. Những lợi ích này đã làm phát sinh các trường hợp sử dụng mới như: Tạo mẫu nhanh, triển khai nhanh chóng và phát triển sản phẩm mới.
Theo dự báo của Công ty Tư vấn và Nghiên cứu công nghệ Gartner (Mỹ), đến năm 2024, phát triển ứng dụng dạng Low-code sẽ chiếm tỉ trọng hơn 65% đối với các hoạt động phát triển ứng dụng. Giá trị thị trường nền tảng Low-code toàn cầu ước đạt 12,85 tỷ USD vào năm 2020 và được kỳ vọng sẽ đạt 65,15 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 22,7% trong giai đoạn từ 2020- 2027.
2. Tăng cường di chuyển lên đám mây
Điện toán đám mây là mô hình dịch vụ cho phép người dùng truy cập tài nguyên điện toán dùng chung (mạng, sever, lưu trữ, ứng dụng, dịch vụ) thông qua kết nối mạng một cách dễ dàng, mọi lúc mọi nơi, theo yêu cầu.
Một trong những chủ đề chuyển đổi số được thảo luận nhiều nhất là di chuyển dữ liệu từ tại chỗ lên đám mây. Các tổ chức, doanh nghiệp đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các công nghệ đám mây, đặc biệt là khi cần cắt giảm chi phí, cải thiện khả năng tiếp cận và thuê ngoài công việc bảo trì định kỳ.
Nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển sang đám mây khi công nghệ phát triển và tốc độ Internet tăng lên, đặc biệt là ở các quốc gia mà trước đây họ có tốc độ phát triển chậm, để tận dụng tất cả những lợi thế mà chúng mang lại.
Theo dự báo của Gartner, chi tiêu của người dùng trên toàn thế giới cho các dịch vụ đám mây công cộng sẽ tăng 20,7% và đạt 591,8 tỷ USD trong năm 2023, tăng từ 490,3 tỷ USD vào năm 2022.
3. Trí tuệ nhân tạo và học máy
AI và ML là những công nghệ được thảo luận nhiều nhất trong tất cả các chủ đề chuyển đổi số. Các tổ chức, doanh nghiệp có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo và học máy để thiết kế và thực hiện quá trình chuyển đổi số, tập trung vào việc đạt được lợi thế cạnh tranh với khách hàng hiện nay và trong tương lai. Những công nghệ này hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển các chiến lược chuyển đổi dữ liệu hoàn chỉnh dựa trên thông tin thị trường theo thời gian thực thay vì các phương pháp tiếp cận từng phần của các hệ thống rời rạc.
ML sẽ phân tích và so sánh các mẫu trong dữ liệu lớn để cung cấp thông tin chi tiết về hành vi của khách hàng và các sự kiện khác. Công nghệ này cũng đưa ra đề xuất về cách cải thiện các quy trình của công ty và các tương tác với khách hàng. Trong khi đó, công nghệ AI bắt chước trí tuệ con người trong việc nhận biết và phản ứng với các hành vi và sự kiện. AI sử dụng các thuật toán để xây dựng hoặc thay đổi chương trình nhằm tận dụng thông tin chi tiết của ML.
Sử dụng AI và ML để lập kế hoạch và tiến hành chuyển đổi số cho phép các tổ chức, doanh nghiệp dẫn trước đối thủ. AI và chuyển đổi số dựa trên công nghệ ML cho phép thu thập và phân tích dữ liệu để hiểu rõ hơn về khách hàng, đồng thời tăng tốc độ giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới. Chuyển đổi dữ liệu đã trở thành một quá trình liên tục phát triển, mang đến những hiểu biết sâu sắc và giải pháp cho sự thay đổi liên tục của khách hàng và thị trường, nhờ vào AI và ML.
Ngày càng có nhiều phần mềm được các tổ chức, doanh nghiệp sử dụng kết hợp 2 công nghệ này để giúp họ phát triển trí thông minh cần thiết để giải phóng nhân viên khỏi các hoạt động tẻ nhạt và hỗ trợ quản lý cấp cao đưa ra những đánh giá sáng suốt.
4. Tìm kiếm thông minh
Tìm kiếm thông minh là quá trình định vị thông tin nhanh chóng khi cần thiết, bất kể nó được lưu giữ ở đâu. Để cung cấp cho người dùng kết quả tìm kiếm được cá nhân hóa và chính xác hơn, tìm kiếm thông minh sử dụng các công nghệ AI như học máy, thị giác máy tính, tìm kiếm ngữ nghĩa và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Nó phá vỡ các rào cản dữ liệu kinh doanh đơn lẻ, không hợp nhất (data silos) trong các doanh nghiệp, cho phép trích xuất thông tin từ bất kỳ nguồn dữ liệu tiềm năng nào.
Tìm kiếm thông minh có thể mang lại kết quả thông minh hơn, nhanh hơn và cung cấp một điểm truy cập duy nhất vào các nguồn nội dung của doanh nghiệp, cho phép dữ liệu được nâng cao, tìm kiếm và phân tích ở cả định dạng có cấu trúc và không có cấu trúc.
5. Tự động hóa quy trình
Tự động hóa quy trình là việc áp dụng công nghệ vào mô hình hoạt động để thực hiện các nhiệm vụ hoặc quy trình định kỳ trong một tổ chức nhằm thay thế các quy trình thủ công. Nó được thực hiện để giảm thiểu chi phí, tăng hiệu quả và hợp lý hóa các quy trình. Bằng cách số hóa và chuẩn hóa quy trình kinh doanh, có thể lược bỏ các tác vụ lặp đi lặp lại.
Mục đích của tự động hóa quy trình là loại bỏ các quy trình làm việc lặp đi lặp lại để nâng cao hiệu quả và năng suất. Tự động hóa quy trình không tập trung vào một bộ phận hoặc quy trình, mà là xem xét tổ chức ở mức độ tổng thể để xem quy trình nào có thể được cải thiện thông qua tự động hóa.
Tự động hóa quy trình là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi xem xét các ý tưởng chuyển đổi số. Trong trung và ngắn hạn, những công nghệ này mang lại tiềm năng tăng năng suất, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và số hóa các hoạt động.
Hơn 80% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết họ đang đẩy nhanh quá trình tự động hóa quy trình làm việc và tăng cường sử dụng lao động từ xa. Phương pháp tốt nhất để tăng tốc tự động hóa là chọn các công cụ tự động hóa quy trình kinh doanh phù hợp, có thể giúp tạo ra kết quả nhanh hơn với ít kỹ năng viết mã hơn.
Những công cụ này, khi được sử dụng kết hợp với phần mềm chữ ký số, sẽ thay đổi cách thức hoạt động hàng ngày của các tổ chức, doanh nghiệp.
6. Tăng cường đầu tư vào công nghệ chuỗi khối
Bên cạnh các công nghệ như AI, điện toán đám mây thì chuỗi khối (blockchain) đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số toàn diện, giúp các tổ chức, doanh nghiệp nâng cấp quy trình làm việc, tối ưu hóa hiệu quả vận hành.
Chuỗi khối là một cơ sở dữ liệu phân tán cho phép người dùng tạo và duy trì các giao dịch an toàn trên nhiều máy tính. Cấu trúc của dữ liệu trong chuỗi khối hoàn toàn khác với cấu trúc của cơ sở dữ liệu truyền thống khi dữ liệu được lưu trữ trong các khối được liên kết với nhau dưới dạng chuỗi. Dữ liệu này không thể bị xoá hoặc sửa đổi nếu không có sự đồng ý từ những người dùng trong hệ thống mạng chuỗi khối.
Do đó, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ chuỗi khối để theo dõi các đơn đặt hàng, giao dịch thanh toán trực tuyến nhằm nâng cao sự bảo mật, tính minh bạch cũng như ngăn chặn các giao dịch trái phép, giả mạo.
Chuỗi khối là một công nghệ mới nổi có thể được sử dụng trong nhiều ngành khác nhau như tài chính, chăm sóc sức khỏe, quản lý chuỗi cung ứng,… Nó có khả năng phá vỡ cách kinh doanh truyền thống trong nhiều lĩnh vực bằng cách cho phép chúng ta tạo hợp đồng thông minh và lưu trữ hồ sơ vĩnh viễn mà không lo bị giả mạo.
Khi các nhà cung cấp phần mềm cần một môi trường an toàn hơn để ngăn thông tin nhạy cảm bị rò rỉ ra công chúng, công nghệ này cũng được coi là một yếu tố quan trọng trong danh sách các xu hướng chuyển đổi số cần theo dõi.
7. Cộng tác ảo
Chuyển đổi số là để tăng năng suất, các nhóm làm việc hiệu quả hơn và làm hài lòng khách hàng hơn. Cộng tác ảo giúp các thành viên trong nhóm chia sẻ thông tin và ý tưởng khi ở xa nhau về mặt địa lý. Một số ví dụ về công cụ cộng tác ảo và nền tảng giao tiếp là công cụ hội nghị truyền hình, công cụ gửi email, công cụ lập kế hoạch nội dung, công cụ nhắn tin nhanh và công cụ quản lý dự án linh hoạt.
Đại dịch COVID-19 là một trong những điều tồi tệ nhất đã xảy ra với chúng ta trong thời gian qua, nhưng về mặt tích cực, nó đã tác động đáng kể đến quyết định bắt đầu sử dụng hoặc tích cực áp dụng các công nghệ kỹ thuật số của các tổ chức, doanh nghiệp, điều này đã khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào phần mềm kỹ thuật số hỗ trợ cộng tác ảo.
Việc sử dụng các công nghệ cộng tác ảo sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp có thể tuyển dụng nhân tài xuyên biên giới mà không cần phải di dời lực lượng lao động; cắt giảm các chi phí như thuê văn phòng, tiền ga và tiền điện, chi phí dọn dẹp, chi phí xây dựng,…
8. Nền tảng dữ liệu khách hàng
Nền tảng dữ liệu khách hàng là nguồn dữ liệu khách hàng quan trọng để các tổ chức, doanh nghiệp có thể tận dụng khi xây dựng những chiến dịch truyền thông và tiếp thị. Sử dụng nền tảng dữ liệu khách hàng sẽ giúp tổ chức, doanh nghiệp truyền tải thông điệp được cá nhân hóa và hấp dẫn tới khách hàng của mình.
Nền tảng dữ liệu khách hàng là một phần mềm đóng gói kết hợp dữ liệu từ nhiều công cụ để tạo ra một cơ sở dữ liệu khách hàng tập trung duy nhất. Nền tảng dữ liệu khách hàng được sử dụng để quản lý thông tin khách hàng, phân tích xu hướng của khách hàng, xác định cơ hội cho các nỗ lực tiếp thị trong tương lai và xây dựng trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa hơn.
Ngoài việc cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp một cái nhìn đầy đủ về khách hàng của họ. Nền tảng dữ liệu khách hàng sẽ giúp cho các tổ chức, doanh nghiệp quản lý dữ liệu khách hàng có tổ chức hơn, phân tích trải nghiệm khách hàng sâu sắc hơn và cải thiện quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cho khách hàng.
Nền tảng dữ liệu khách hàng sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số trong năm 2023 khi các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tập trung vào việc thu thập, quản lý và kích hoạt dữ liệu khách hàng.
9. Mọi thứ như một dịch vụ
Mọi thứ như một dịch vụ (XaaS: Everything as a Service) là một mô hình kinh doanh cho các giải pháp đa dạng kết hợp phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Đây là một trong những xu hướng chuyển đổi số quan trọng và sẽ tiếp tục đạt được sức hút trong năm 2023. XaaS là một mô hình kinh doanh mà các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ của họ dưới dạng dịch vụ dựa trên sự đăng ký của khách hàng.
Có nhiều loại dịch vụ liên quan đến điện toán đám mây và truy cập từ xa, chẳng hạn như phần mềm như một dịch vụ (SaaS), nền tảng như một dịch vụ (PaaS), cơ sở hạ tầng như một dịch vụ (IaaS), giao tiếp như một dịch vụ (CaaS) và mạng lưới như một dịch vụ (NaaS),…
Trước khi có sự xuất hiện của XaaS và điện toán đám mây, các tổ chức, doanh nghiệp thường phải mua và cài đặt các gói phần mềm được cấp phép để thiết lập mạng lưới của mình. Mô hình XaaS cũng cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp tính linh hoạt và khả năng mở rộng cực cao. Vì những lý do này, trong tương lai XaaS sẽ tiếp tục là sự lựa chọn phổ biến cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô.
Tóm lại, các xu hướng chuyển đổi số trong năm 2023 được thiết lập để mang lại những thay đổi đáng kể trong cách các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tương tác với công nghệ. Tuy nhiên, các xu hướng chuyển đổi số này mang đến cả thách thức và cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp để luôn dẫn đầu trong bối cảnh kỹ thuật số không ngừng phát triển.
Phan Văn Hoà (Theo comparecamp, theecmconsultant)